Theo kế hoạch, ngày 13-4 TAND tỉnh Bình Phước sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1990, trú thôn 6, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) bị truy tố về tội giết người. Đây là lần thứ sáu TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử với bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn tại phiên xử ngày 22-6-2016. Ảnh: T.TÙNG
Trước đó tòa đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKS và cơ quan điều tra không đáp ứng được khiến tòa không thể kết án. Bị can Tuấn bị bắt tạm giam từ ngày 13-1-2014 đến nay, sau đó nhiều lần tòa mở phiên xử nhưng chưa thể kết tội. Trước đó, trên trang web của mình, lãnh đạo VKSND Tối cao yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước kiểm tra lại vụ việc, báo cáo cho VKSND Tối cao về vụ án này.
Đặc biệt theo quyết định đưa vụ án ra xét xử lần này, TAND tỉnh nêu: “Bị cáo bị VKSND tỉnh truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Nhưng tòa án dự kiến sẽ xét xử bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS”.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 13-4 tới.
Như đã phản ánh, theo cáo trạng, bị cáo Tuấn và nạn nhân Thái cùng cạo mủ cao su thuê và cùng ở trọ trong chòi của một công ty cao su tại thôn 5, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng. Năm 2014, sau khi lấy tiền công, Tuấn, Thái và một số người rủ nhau nhậu, hát karaoke. Đến chiều cùng ngày, Tuấn chở Thái về thì bạn gái Tuấn gọi điện thoại nói té bị thương nên Tuấn mượn xe máy của Thái đi. Do Thái không đồng ý nên hai bên cãi nhau. Tuấn đã dùng dao Thái Lan dắt ở cột chòi đi lên chòi đâm Thái rồi vứt dao cách chòi khoảng 120 m rồi bỏ đi.
Chiều hôm sau có hai người vào chòi thì phát hiện Thái đã chết trên gác trong chòi. Công an thu giữ một lưỡi dao, một cán dao dính máu và một số vật dụng khác như xe máy, áo, quần lửng, chăn, gói thuốc lá…
Giám định pháp y kết luận ADN trong mẫu phết lên bề mặt lưỡi dao là của bị hại Thái; trong mẫu phết lên bề mặt của cán dao có hiện diện ADN của bị hại Thái với xác suất 1/1,249 tỉ người xảy ra; ADN của người khác (không phải là của Thái). Kết luận giám định khác thì kết luận ADN của Tuấn không hiện diện trên mẫu máu phết trên bề mặt của cán dao... Tuấn bị bắt. Ban đầu Tuấn không nhận tội nhưng sau đó thừa nhận và lý giải tại tòa việc nhận tội này sau khi bị ép cung, dụ cung.
Căn chòi giữa vườn cao su nơi xảy ra vụ án mạng. Ảnh: T.TÙNG
Từ khi thụ lý vụ án TAND tỉnh Bình Phước đã từng trả hồ sơ điều tra bổ sung tổng cộng sáu lần, yêu cầu nhiều vấn đề khác nhau. Lần gần đây là tháng 11-2016, tòa yêu cầu làm rõ nội dung và vị trí các cuộc gọi điện thoại giữa bị can Tuấn với người bị hại và một người liên quan. Theo đó, công văn ngày 19-9 của Tập đoàn Viễn thông quân đội gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước liệt kê chi tiết các cuộc gọi đi/đến của bảy số điện thoại, trong đó có số của bị can Tuấn. Danh sách thể hiện bị can gọi đi, gọi đến nhiều lần cùng một số điện thoại và cùng thời gian nhưng cột thu phát sóng cho thuê bao đó lại ở các địa phương khác nhau. Việc này mâu thuẫn với các chứng cứ khác dùng để buộc tội bị can.
Ngoài ra, tòa yêu cầu cần vẽ sơ đồ định vị vị trí từng lần số thuê bao của bị can gọi đi hoặc gọi đến số thuê bao này trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 23 giờ ngày 12-1-2014 và vị trí số thuê bao của bị can với người bị hại trong các cuộc điện thoại cuối cùng để làm căn cứ giải quyết vụ án.