6 tháng chưa chi trả tiền bồi thường oan vụ án “đi tè“

Chiều 11-12, anh Trần Văn Uống cho biết anh và hai người bị oan còn lại của vụ  án "Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp" xảy ra ở Bình Chánh từ năm 2012 vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Từ sáu tháng trước (tháng 6-2018), giữa VKSND huyện Bình Chánh và ba người bị oan đã đạt được thỏa thuận về số tiền bồi thường oan. Theo thương lượng thành giữa các bên, tổng cộng 820 triệu đồng sẽ được chi trả cho các khoản thiệt hại tinh thần, thu nhập bị mất và chi phí luật sư cho những ngày bị tạm giam và mang thân phận bị can, bị cáo.

Khoản tiền bồi thường thiệt hại do làm oan này sẽ được chi trả bằng tiền mặt tại VKSND huyện Bình Chánh hoặc chuyển khoản tại kho bạc nhà nước huyện Bình Chánh.
Sau đó, VKSND huyện Bình Chánh đã gửi hồ sơ yêu cầu lên VKSND Tối cao. Tuy nhiên, đến ngày 20-11-2018, VKSND Tối cao mới thẩm định xong và có văn bản gửi hồ sơ qua Bộ Tài chính đề nghị cấp kinh phí.

VKSND Tối cao cũng xác định lỗi của những người tiến hành tố tụng trong vụ án này là lỗi vô ý. Theo khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 thì những cán bộ này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Nhưng đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp kinh phí để VKSND huyện Bình Chánh thực hiện việc chi trả khoản tiền bồi thường oan.

6 tháng chưa chi trả tiền bồi thường oan vụ án “đi tè“ ảnh 1
(từ trái qua) Khưu Khánh Sỹ, Trần Văn Uống và Ong Văn Sệt trong ngày được VKSND huyện Bình Chánh về tận quê nhà xin lỗi công khai hồi tháng 4-2017. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Ba người bị oan vẫn đang mòn mỏi chờ tiền về dù theo Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì thời hạn phải cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường chỉ khoảng một tháng.

Trong ba người bị oan, Sệt là người được bồi thường ít nhất là 125 triệu đồng do thu nhập bị thiệt hại ít hơn Uống và Sỹ. Sệt bị bắt vào một ngày cận Tết sau khi tòa phúc thẩm trả hồ sơ để điều tra lại vì những dấu hiệu oan rất rõ của vụ án. Chính vì vậy, Sệt đành phải dang dở bữa cơm đoàn tụ chiều cuối năm với gia đình, cha chết mà không kịp nhìn mặt… Nỗi đau hậu quả của việc bị oan là không gì bù đắp được.

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh sau chầu nhậu một đêm cuối năm 2012, Uống, Sệt và Sỹ ra đường hóng mát và đi tè nhưng sau đó lại vướng vào vòng tù tội vì bị buộc tội cướp từ lời tố giác vu vơ của một người đi đường. Từ phân tích của Pháp Luật TP.HCM, cuối cùng các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh, TP.HCM đã thừa nhận làm oan... 

Thời hạn phải cấp kinh phí và chi trả tiền bồi thường

Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường… có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định, cơ quan tài chính phải hoàn thành việc cấp phát kinh phí bồi thường cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường về việc chi trả tiền bồi thường. Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường nhận được thông báo, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải chi trả tiền bồi thường.

(Trích Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017) 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm