Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS-TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), nhìn nhận: “Nhìn thẳng vào những thách thức trong từng giai đoạn của sự nghiệp cách mạng và tập trung chấn chỉnh, giải quyết nó với quyết tâm cao nhất, bản lĩnh đó đã giúp Đảng ta đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách; ngày càng vững bước trên con đường phát triển”.
Ý chí kiên định và bản lĩnh của Đảng
. Phóng viên: Chúng ta đang ở thời điểm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng đang chứng kiến những diễn biến chính trị rất đáng chú ý. Là người làm công tác nghiên cứu về xây dựng Đảng, cảm nhận của ông lúc này thế nào?
+ PGS-TS Lê Văn Cường (ảnh): Chúng ta có lẽ đã đọc bài viết mới đây, rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Bài viết đã điểm lại một cách tóm tắt, chắt lọc nhất thành tựu của Đảng, những bài học kinh nghiệm, những yêu cầu đặt ra cho giai đoạn tới, với tầm nhìn hướng mốc 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài viết được đăng tải vào ngày Ban Chấp hành Trung ương họp hội nghị bất thường để cho thôi chức, thi hành kỷ luật nhiều đảng viên cấp cao, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm.
Là người nghiên cứu, tôi vẫn giữ nguyên lòng tự hào về sự nghiệp cách mạng đồ sộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những diễn biến chính trị gần đây chỉ là rất nhỏ bé trong sự nghiệp đồ sộ ấy của Đảng và điều ấy chỉ thêm khẳng định về sự kiên định, kiên trì, bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
. Ông muốn nhấn mạnh về sự kiên định và bản lĩnh chính trị của Đảng?
+ Đúng vậy.
Những diễn biến chính trị mà chúng ta chứng kiến từ sau Đại hội XIII nằm trong đường lối, chủ trương lớn của Đảng, khi mà từ khóa XI trở lại đây, Ban Chấp hành Trung ương luôn lấy Hội nghị Trung ương 4 bàn chuyên đề về xây dựng Đảng. Đấy là bản lĩnh của Đảng khi nhận ra, nhìn thẳng vào những thách thức trong từng giai đoạn của sự nghiệp cách mạng mà tập trung giải quyết, chấn chỉnh.
Trước đó nữa, khi nhận ra những bất cập của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp dẫn tới khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm sau chiến tranh; từ sáng kiến, sáng tạo trong thực tiễn của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, mà trước hết là đổi mới tư duy. Để rồi khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ thì Đảng ta với bản lĩnh chính trị của mình đã kiên định, vững bước và sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam mình đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991); tiếp đó là Hiến pháp năm 1992… mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đến Đại hội XIII, đối mặt với thách thức rất lớn từ đại dịch COVID-19 cùng môi trường quốc tế rất phức tạp, Đảng ta vẫn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời đi vào những vấn đề rất chiến lược như Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng nhà nước pháp quyền, rồi gần đây là ba quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực ở những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm nhất.
Có thể nói chưa bao giờ có nhiều ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng cả đương nhiệm, nghỉ hưu bị xử lý như vậy. Nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định chính trị, được thế giới ghi nhận.
Tất cả kết quả đó đến từ ý chí kiên định và bản lĩnh chính trị của Đảng ta.
Cần sàng lọc để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy. Tiếp tục kiên quyết loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng.
Dân đồng lòng ủng hộ Đảng chống tham nhũng
. Trả lời phỏng vấn TTXVN mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề cập tới các biểu hiện của tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ông đánh giá thế nào về tình trạng, hiện tượng này?
+ Người dân yêu mến gọi Tổng Bí thư là “người đốt lò vĩ đại”. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ông dẫn dắt đang theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Nói thành thực thì cũng có những lo lắng là làm mạnh vậy thì ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội hay ảnh hưởng đến vấn đề đoàn kết, thống nhất. Tôi thì không nghĩ như vậy. Kết quả điều tra xã hội học của cơ quan có thẩm quyền cho thấy có đến 93% người dân đồng tình, ủng hộ sự nghiệp này.
Tuy nhiên, với số lượng cán bộ vi phạm nhiều như vậy thì phải thẳng thắn kiểm điểm là “còn nhiều khe hở quá”. Không chỉ hở trong các quy định, thể chế, mà cả trong tổ chức thi hành và kiểm soát quyền lực…
. Tham nhũng, tiêu cực suy cho cùng là sản phẩm của suy thoái quyền lực. Hẳn là Đảng đã nhận thức được nguy cơ ấy nên vừa rồi Bộ Chính trị mới ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát quyền lực?
+ Bộ Chính trị đã ban hành các quy định 114, 131, 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động kiểm toán; trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... Đây là bước cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.
Tôi đánh giá đây là bước tiến rất lớn về nhận thức của Đảng ta. Hơn 10 năm trước, khi làm Hiến pháp năm 2013, ta mới bổ sung vào nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhưng là quyền lực nhà nước. Còn đến giờ thì đã phát triển, để thấy phải kiểm soát toàn diện, cả quyền lực chính trị nữa.
Tinh thần là mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý.
Những thực tiễn như vậy khẳng định ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Những ấn tượng trên mặt trận đối ngoại
Thời gian qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có đại dịch COVID-19; Việt Nam đã giữ được các cân đối lớn cho nền kinh tế; tình hình chính trị tiếp tục ổn định, đối ngoại đạt được nhiều thành tựu. Mối quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng chính trị trên thế giới cũng được phát triển và mở rộng. Hiện Đảng ta đặt quan hệ với hơn 500 Đảng chính trị và tổ chức chính trị trên thế giới, đây là một con số ấn tượng.
Việt Nam đến nay có quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đáng chú ý là chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với tất cả năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; là thành viên tích cực, chủ động của ASEAN cũng như các tổ chức của Liên hợp quốc.
Phải chú ý đặc biệt đến công tác cán bộ
. Chúng ta sắp đi qua 2/3 nhiệm kỳ Đại hội XIII. Vậy bước sang năm mới 2024 này, cũng như thời gian còn lại chuẩn bị Đại hội XIV, theo ông, Đảng ta cần tập trung vào những công việc gì?
+ Trong bài viết mới nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc lại mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 mà Đại hội XIII đã đề ra. Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, rồi bối cảnh quốc tế phức tạp những năm qua cùng với những yếu kém nội tại thì năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng ta phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8%. Tôi nghĩ đây là thách thức rất lớn.
Nhưng đồng thời tập trung cho phát triển kinh tế thì ở thời điểm này phải đặc biệt chú ý đến công tác cán bộ. Năm 2023, Bộ Chính trị đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược cho thấy kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, trong triển khai quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV thì nguồn cán bộ quy hoạch ủy viên Trung ương (cả chính thức và dự khuyết) vẫn có những vấn đề đặt ra số lượng, cơ cấu cho thấy cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.
Từ kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rồi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với rất nhiều đảng viên các cấp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự như vậy, thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ. Cần sàng lọc để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy. Tiếp tục kiên quyết loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng.
Muốn vậy thì phải phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
. Xin cảm ơn ông.•