Sau thất bại của U-23 Việt Nam, nhiều chuyên gia vội đòi sa thải HLV Toshiya Miura dù ông chưa hẳn đã là nguyên nhân chính khiến đội nhà thất bại. Điều quan trọng không phải là cái thua kiểu đột tử ở bán kết trước Myanmar mà là sức mạnh chưa thể phát huy từ thế hệ cầu thủ tốt nhất mà chúng ta đang có.
Thượng tầng đã định dạng chiến lược cho bóng đá Việt Nam như thế nào?
Những ai có mặt trong lễ khai mạc Cúp NutiFood U-19 trên sân Thống Nhất vào đầu năm 2014 đều nhớ rất rõ tuyên bố của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Trước không khí hừng hực mà khán giả đến sân xem lứa cầu thủ U-19 thi đấu, ông Dũng tuyên bố đây sẽ là lứa cầu thủ rường cột để bóng đá Việt Nam vượt qua sân chơi Đông Nam Á mà sánh tầm với châu Á, với thế giới… Thậm chí ông Dũng còn phấn khích nói rằng đã có thể nghĩ đến việc giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup…
Bài phát biểu được kết thúc bằng hai từ “Oh Yeah!” rất teen của ông tân chủ tịch VFF làm nhiều người phấn khích theo nhưng những ai hiểu về chuyên môn và bình tĩnh trước thời thế thì lại thấy lo. Lo vì tầm nhìn của một người đứng đầu bóng đá phấn khích với một lứa cầu thủ mới ra lò và tạo hiệu ứng cho khán giả đã sa đà vào tâm lý đám đông. Lo vì từ niềm vui đến việc tưởng đó là bàn đạp cho tất cả cuộc chinh phục từ Đông Nam Á, châu Á và ra đến thế giới quá đơn giản.
Đến lúc này thì rất cần những người có chuyên môn thực sự ở bên cạnh ông chủ tịch VFF để kìm hãm sự sung sướng lại bởi bóng đá quốc gia không thể đo bằng một trận giao hữu với một đối thủ trẻ như U-19 AS Roma. Và rõ ràng là ở VFF bây giờ tìm một người đủ dũng cảm và đủ chiều sâu để phân tích cho ông chủ tịch về phương thức làm bóng đá trẻ lẫn nền tảng, chiến lược cho bóng đá nước nhà gần như là không có.
Thời điểm đấy thì rõ ràng ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và ông Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức là bạn bởi họ cùng nhìn về lứa U-19. Họ cùng sướng theo giá trị quả ngọt đầu mùa từ công trình của HA Gia Lai qua sức hút khán giả và lối chơi hoa mỹ mà các cầu thủ trẻ thi đấu rất chân phương đã mang lại. Từ đó ông chủ tịch VFF đã có rất nhiều ưu ái cho lứa trẻ đấy của HA Gia Lai trong khi ông phó chủ tịch có sản phẩm độc đấy lại “ảo tưởng” với việc chơi được ở sân chơi trẻ thì có thể đá ngang tầm với người lớn và thậm chí là có thể vô địch V-League bằng một lối chơi đẹp.
Nói đó là chiến lược cho bóng đá Việt Nam thì không phải bởi nó đơn thuần chỉ là sự thỏa mãn với lứa cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản. Chỉ có điều là ở VFF trong nhiệm kỳ VII thì gần như không ai dám phản bác lại bằng lý luận thực tiễn để ông chủ tịch hiểu ra hoặc chí ít là bình tĩnh với cái gọi là chiến lược. Nói như những nhà làm bóng đá thì người có chuyên môn thực thụ đã không được giữ lại ở ngôi nhà VFF, còn người dễ bảo, dễ nghe và dễ sai thì bám trụ ở đấy lâu lắm rồi.
Trận thắng đẹp U-19 AS Roma làm thay đổi quan niệm làm bóng đá của chủ tịch VFF. Ảnh: XUÂN HUY
HLV Miura thích chọn các đấu sĩ cho những trận đánh và bỏ lại những thủ lĩnh ở giữa sân như Tuấn Anh. Ảnh: XUÂN HUY
Hạ tầng khoán trắng cho Toshiya Miura?
Trong các đời HLV ngoại thì đời Toshiya Miura là “an toàn” nhất. Sự “an toàn” đến từ niềm tin mà VFF trao khoán và có thể từ những ràng buộc qua các điều khoản trong hợp đồng. Nơi mà những nhà “quản lý” tài trợ (nắm thương quyền của bóng đá Việt Nam) đến những doanh nghiệp sát cánh theo đội tuyển, theo giải V-League đều đến từ Nhật và có những ràng buộc nhất định. Và HLV Toshiya Miura là một phần trong chuỗi đấy gắn với đội tuyển cùng các đội tuyển trẻ.
Ở các quốc gia, giao việc cho HLV ngoại phải tôn trọng họ về chuyên môn nhưng không ai giao tất cả cho người được thuê.
Ở các quốc gia, đội tuyển và các đội tuyển trẻ phải được phát triển theo một chiến lược rạch ròi từ những nhà điều hành bóng đá. Thế nhưng thời HLV Miura thì ông ấy không được chỉ đạo về chiến lược phát triển của một nền bóng đá như Thái Lan đã làm từ khi SEA Games bị soán ngôi bởi Malaysia. Và hoàn toàn có thể hiểu được chiến lược của bóng đá Việt Nam là chỉ đạo của ông chủ tịch VFF, là sự ứng biến của ông phó chủ tịch kiêm vị trí chủ tịch hội đồng HLV. Vị trí không đúng với khả năng chuyên môn của ông ấy.
Thế là bộ máy đấy cứ chạy theo kiểu chiến lược là cứ “chiến” ở từng giải, là đào tạo những chiến binh khỏe hơn để chiến đấu, là khi cần thì có thể chơi bạo lực để ngăn người Thái đá kỹ thuật…
Và đến SEA Games 28 này cũng thế. Ông chủ tịch VFF lúc cao hứng thì nói lấy lứa U-19 cho đá tập để hai năm sau vô địch nhưng lúc lâm trận thấy lứa U-19 đá V-League bị hội đồng lên bờ xuống ruộng thì “bẻ kèo” để ông Miura chọn đấu sĩ.
Đó cũng là nguyên nhân khiến tại SEA Games dù thắng đến năm trận và ghi rất nhiều bàn thắng nhưng chẳng có gì gọi là lối đá riêng của bóng đá Việt Nam. Lối đá mà chuyên gia Trịnh Minh Huế từng thắc mắc vì sao tuyến dưới lại làm bóng cho tuyến trên là chính, còn tuyến giữa thì đa phần là thực hiện chức năng cản phá.
Đâu rồi thứ bóng đá khôn ngoan, thông minh như thời Calisto được ca ngợi và đâu rồi thứ bóng đá mà lứa U-19 làm ngất ngây lòng người.
SEA Games 28 có định dạng được lối đá? Không ai định dạng được lối đá của U-23 Việt Nam tại SEA Games 28. Có người khen đó là tốt vì ta không định dạng được thì đối thủ sẽ không thể bắt bài. Tuy nhiên, đến trận bán kết gặp Myanmar mang tính sống còn thì ta cũng không thể trình bày một lối chơi gọi là bản sắc của riêng ta. Nói như HLV Trần Minh Chiến thì đặc điểm và khả năng của từng cầu thủ đã không được phát huy hết khi họ bị đặt chơi trái sở trường. Điển hình là Mạc Hồng Quân chỉ nguy hiểm ở vùng cấm thì lại bị dạt ra ngoài còn Công Phượng thì lại lấp vào đấy. Điều này làm giảm khả năng sát thương của cặp tiền đạo này. Trong khi đó ta không mạnh trong bóng dài nhưng cứ được lặp đi lặp lại và Myanmar không khó để ngăn chặn kiểu “rót dầu” như thế. Đã thế tuyến dưới lại phạm nhiều sai lầm trong đó có sai lầm lớn nhất là ở ban huấn luyện đã chủ động phá cấu trúc ổn định ở trục giữa để tăng cường tấn công biên và bàn thua thứ hai đã đến từ chỗ bị chính ta phá chứ không phải Myanmar phá. |