Chương trình Văn hóa văn nghệ do Sở VHTT-DL Tỉnh Tiền Giang kết hợp cùng ban khánh tiết đình Thân Nhơn tổ chức đã kêu gọi được 41 triệu đồng ủng hộ để trùng tu lại ngôi đình cổ.
Chương trình dành một phút mặc niệm các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: Hoàng Giang
Mặc dù hằng năm các vị trưởng lão của Làng Thân Nhơn vẫn tề tựu về cúng hội Kỳ Yên, nhưng do thời gian gần 200 năm đã làm Đình xuống cấp trầm trọng, đình hầu như bị hỏng hoàn toàn: Số cột hầu như đã bị mục rỗng, nền đền bị thủng lỗ chỗ, nhiều vị trí trơ đất lồi lõm …
Tiết mục Đình Thân Nhơn quê tôido nghệ sĩ Kim Hương và Tấn Phát thể hiện Ảnh: Hoàng Giang.
Phần nữa, sau ngày giải phóng số phận của Đình Thân Nhơn cũng như một số Đình Miếu khác ít được sự quan tâm nên đất của Đình bị chiếm dụng trái phép, hiện chỉ còn khoảng 1.000m2, bằng khoảng 1/3 so với diện tích trước kia. Theo tính toán, dự trù kinh phí để sửa chữa đình khoảng 2,8 tỉ đồng.
Vở Nhụy Kiều tướng quân do Khắc Huy và Diệu Thanh trình bày - Ảnh: Hoàng Giang
Ông Nguyễn Văn Vấn, Đại diện Ban khánh tiết đền Thân Nhơn không khỏi ngậm ngùi khi nói về ngôi đình cổ này: “Đình nay đã dột nát, hư hại nghiêm trọng. Giữ đình không chỉ là giữ lại những giá trị tinh thần của người dân, các lễ hội truyền thống như: Lễ hội thượng điền, kì yên hạ điền,… mà qua đó còn giáo dục các thế hệ kế thừa nhớ nguồn thương cội, vừa để tỏ lòng kính tưởng tiền nhân xưa khẩn hoang mở cõi, giáo dưỡng nhân sinh mới có được ngày nay. Văn hóa còn thì đất nước còn. Xin để đình làng trở về nét trang nghiêm vốn có, đừng để đình làng điêu tàn theo quy luật của thời gian”.
Vọng cổ Thân Cửu Nghĩa quê tôido Tấn Phát, Kim Hương thể hiện - Ảnh: Hoàng Giang
Đêm văn nghệ được tổ chức tại trường tiểu học Thân Cửu Nghĩa A. Không có sân khấu hoành tráng, không hiệu ứng hình ảnh cầu kì nhưng đêm diễn vẫn để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả. Các hàng ghế chật cứng người xem, không ít khán giả chấp nhận ngồi bệt dưới đất để được xem chương trình.
Ông Nguyễn Văn Vẫn - đại diện Ban khánh tiết đình Thân Nhơn nói về những hư hỏng của đình Thân Nhơn - Ảnh: Hoàng Giang
Đêm diễn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ gạo cội như: nghệ sĩ Kim Hương (vai nàng Tía trong Tiếng trống Mê Linh), nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân (Trưng Nhị),.. cùng nhiều nghệ sĩ khác như: Tấn Phát, Nhựt Quang, Khắc Huy, Hồng Phước…
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã (áo hồng nhạt) trò chuyện với các thành viên Ban khánh tiết đình Thân Nhơn - Ảnh: Hoàng Giang
Khán giả được trở lại với tình bạn sắt son thủy chung trong vở Lưu Bình - Dương Lễ, tinh thần kiên trung bất khuất trong vở Nhụy Kiều tướng quân. Vở cải lương Bêncầu dệt lụa dù đã được trình chiếu rất nhiều lần trên sóng truyền hình nhưng qua sự thể hiện của các nghệ sĩ Tấn Phát, Kim Hương, Hồng Phước, Mỹ Xuân…vẫn tiếp tục lấy đi không ít nước mắt khán giả.
Đông đảo người dân đến xem đêm nhạc quyên góp xây dựng đình Thân Nhơn - Ảnh: Hoàng Giang
“Hồi còn nhỏ, đình làng thường có các đoàn văn công về hát bội, cải lương…nhưng từ hồi đình làng xuống cấp tới giờ, số đoàn về ngày càng ít, hơn nữa người ta cũng quen với xem trên tivi, internet. Hôm nay, nghe nói có đoàn nghệ sĩ trên thành phố về biểu diễn những tác phẩm cải lương kinh điển như: Lưu Bình-Dương Lễ, tôi vui lắm, rủ cả cháu nội và con dâu cùng đi. Những trích đoạn tối nay rất ý nghĩa”, cô Nguyễn Thị Tám (65 tuổi) chia sẻ.
Một em nhỏ say mê xem chương trình - Ảnh: Hoàng Giang
Ông Ngô Văn Cậy, đại diện Ban vận động cho biết: tính đến nay tổng số tiền kêu gọi quyên góp được là hơn 65 triệu đồng. Trong đó, riêng đêm diễn văn nghệ do Sở VHTT-DL Tỉnh Tiền Giang kết hợp cùng ban khánh tiết đình Thân Nhơn tổ chức, Ban vận động đã nhận được khoảng 41 triệu đồng từ các mạnh thường quân.
Các nghệ sĩ nhận hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng bà con xã Thân Cửu Nghĩa - Ảnh: Hoàng Giang
“Chúng tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ hỗ trợ của các cô bác gần xa, đặc biệt là các anh chị ban văn nghệ không quản đường sá xa xôi về đây biểu diễn. Đình hầu như bị hỏng hết rồi nên phải phá dỡ hoàn toàn.Vì số tiền kêu gọi quyên góp được so với số tiền dự trù sửa chữa còn thiếu nhiều nên chúng tôi sẽ làm theo từng hạnh mục một. Trước mắt, trong vòng một tháng, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành bản thiết kế xây dựng, dự trù vật liệu để tiến hành tháo dỡ. Những vật liệu trong đình còn sử dụng được như: gạch xưa bằng đất nung chúng tôi sẽ giữ lại tiếp tục dùng, vừa tiết kiệm, vừa phần nào giữ được hồn cổ đình xưa”.
Ngôi đình Thân Nhơn tọa lạc tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đình được xây dựng cách đây gần 200 năm. Ngôi đình cổ này đã được vua Tự Đức ban 2 sắc thần vào ngày 29-11 Nhâm Tí (năm Tự Đức thứ V, 8-1-1853) gồm:Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thầnvà Thân Nhơn Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần. Đây là ngôi đình rất cổ và nằm vào vị trí quan trọng cửa ngõ miền Tây Nam Bộ. Đình là nơi nuôi dưỡng che chở cho các chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kì, cũng là quê hương của hoa trái bốn mùa trĩu quả. Đình là nơi tín ngưỡng tâm linh cũng là nơi sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống qua nhiều thế hệ. |