Ông còn là một dũng tướng thao lược, nhiều lần giúp chúa Nguyễn cầm binh đánh dẹp giặc dã, mở rộng biên cương bờ cõi. Công đức to lớn của ông được nhân dân ghi tạc suy tôn thần tướng, kính trọng gọi “Đức Ông”, lập đền thờ tại đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Còn riêng phần mộ ông hiện tọa lạc tại làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Hành trình tìm mộ với những “cơ duyên” lớn
Bãi đất hoang nơi có “mã Chệt” trước khi phát lộ tìm thấy mộ cổ (ảnh tư liệu do Ban Qúy tế đình Tân Lân cung cấp)
Theo như trong tập sách “Thân thế và sự nghiệp Đức Ông Trần Thượng Xuyên”(lưu hành nội bộ của Ban quản lý di tích Đình Tân Lân) ghi lời các bô lão lưu truyền cho nhau: Sau khi ông Trần Thượng Xuyên mất, di hài được an táng trên khu thổ mộ của gia tộc tại vùng đất ở phía Bắc trấn thành Biên Hòa, thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định (nay là làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trải qua mấy thế kỷ, chinh chiến liên miên, vật đổi sao dời nên mộ Trần Thượng Xuyên đã bị mất dấu vết dưới lớp bụi dày thời gian. Đó cũng là niềm day dứt của hậu duệ họ Trần Thượng và Ban tế tự đình Tân Lân. Mãi đến năm 1994, nhờ ba cơ duyên lớn đến: thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên Ban hội đình Tân Lân đã cất công đi tìm và xác định được vị trí ngô mộ cổ. Một trong những người có công trong hành trình tìm lại được mộ cụ Trần Thượng Xuyên là ông Lâm Văn Lang (thường gọi là Tám Hiền), hiện là Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân.
Sau hàng trăm năm mất dấu vết thì vào năm 1994 mộ Trần Thượng Xuyên được tìm thấy và được giữ nguyên trạng mộ đá cổ như xưa. Ảnh: Lê Quốc
Năm 1991, sau khi đình Tân Lân được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia thì kế hoạch đi tìm lại khu mộ của Đức Ông được Ban hội đình Tân Lân họp bàn và quyết tâm phải tìm cho bằng được nơi yên nghĩ của tiền nhân. Năm 1993, cơ duyên đến bất ngờ, trong một lần ông Tám Hiền sang cúng chùa Thanh Lương (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), được Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Khải nói, ông Tám Hiền phải tìm gặp cụ Bùi Văn Một (90 tuổi), người đang canh giữ đình thần Nguyễn Tri Phương gần đó, thì có khả năng biết được tung tích ngôi mộ của Trần Thượng Xuyên Hòa, thượng nói.
Từ những chữ Hán còn sót lại trên tấm bình phong mà các nhà nghiên cứu, khảo cổ xác nhận được vị trí mộ Trần Thượng Xuyên (ảnh tư liệu do Ban Quý tế đình Tân Lân cung cấp)
Quả thật, cụ Một là người sinh ra và lớn lên tại làng Mỹ Lộc (huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé cũ). Cụ kể từ lâu đời ở làng Mỹ Lộc quê cụ có một khu mộ đá “bí ẩn” vô chủ, dân làng gọi là “mã Chệt”. Khu đất hoang đó rất linh thiêng, đến nỗi trâu bò không bao giờ bén mảng đến gần gặm cỏ, dân làng mỗi khi đi ngang qua khu mộ đá đó đều không dám chạy nhảy, nói lớn tiếng. Những năm chiến tranh ác liệt, dân quân du kích địa phương trên đường trở về chiến khu Đ, bị giặc phục kích thì chạy ẩn trú núp vào khu mộ. Thật kỳ lạ, quân địch dù cố gắng vạch cỏ truy lùng nhưng không bao giờ tìm thấy bóng dáng đối phương. Ông Huỳnh Văn Sanh, cựu chiến binh xã, kể lại từng trú tránh nơi đây và được Đức Ông che chở an toàn trước làn tên mũi đạn của quân thù...
Tấm bia đá hoa cương cao 2m2, rộng 1m70, phía trước ghi chữ Việt, phía sau ghi chữ Hán thể hiện tiểu sử và công trạng của danh tướng Trần Thượng Xuyên. Ảnh :Lê Quốc
Từ thông tin ít ỏi mà cụ Một cung cấp, linh cảm có thể “mã Chệt” là nơi an nghĩ Trần Thượng Xuyên nên Ban hội đình Tân Lân lập một đoàn đi khảo sát gồm 10 người, trong đó có cụ Một là người am hiểu về đất đai và ông Lương Muối, người thông thạo về Hán văn cổ. Đoàn đi tìm mộ đến làng Mỹ Lộc, hỏi thăm thêm một số bô lão làng Mỹ Lộc để xác định vị trí chính xác khu đất có “mã Chệt”. Đó là khu khu đất nằm sát bên tỉnh lộ 746, cây cối mọc um tùm, cỏ dại chen lút đầu. Sau khi phát dọn xong thì mới lộ thiên ra bốn ngôi mộ đá bị mưa gió đất cát che lấp và bào mòn hết các tấm bia mộ nằm rải rác khắp nơi. Trong đó, có ngôi mộ đá lớn nhất, có tấm bình phong án ngữ phía trước mộ còn sót vài chữ Hán. Nội dung dịch chữ Hán cho biết chủ nhân ngôi mộ là người họ Trần, quê quán tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Vị trí ngôi mộ lại nằm ở địa thế phù hợp theo thuyết phong thủy bền vững của người xưa: phía trước có ngọn núi đá lửa, phía sau có sông, dưới sông có lớp đá hàn.
Trong lúc đó, chợt xuất hiện thêm một “nhân chứng” mới - ông Ba Tòng (cư ngụ thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên). Ông Ba Tòng kể với đoàn tìm mộ là ngay từ nhỏ mỗi lần được cha ruột là thầy giáo Giang (vốn là một ông đồ dạy chữ Hán nổi tiếng ở vùng Tân Uyên) dắt đi ngang khu “mã Chệt” đều nói trong đó có phần mộ của ông Trần Thắng Tài (tên chữ của Trần Thượng Xuyên), là một tướng quân xứ Đồng Nai, người từng xuất quân đi dẹp loạn giặc Cao Miên. Từ những cơ sở đó, Ban Quý tế đình Tân Lân cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ xác định ngôi mộ đá lớn nhất không khu “mã Chệt” chính là phần mộ ông Trần Thượng Xuyên và 3 ngôi mộ hoang phế còn lại có thể là mộ thân tộc hoặc cận vệ của ông...
Nơi tham quan về nguồn tìm hiểu nguồi cội của ông cha
Sau khi mộ Trần Thượng Xuyên được phát lộ thì Ban hội đình Tân Lân tiếp tục lên kế hoạch trùng tu, bảo quản. Thêm một “cơ duyên” nữa là gia đình chủ đất hiến toàn bộ diện tích hơn 500m2 bao bọc khu mộ đá. Ban hội đình Tân Lân bắt đầu gia cố lại các trụ đá, thành mộ bị lún sụt, sạc lở và xây dựng cổng chính, bờ tường rào bao xung quanh. Sau đó, xây thêm một nhà tưởng niệm và dựng một tấm bia đá hoa cương cao 2m2, rộng 1m70, phía trước ghi chữ Việt, phía sau ghi chữ Hán tiểu sử và công trạng của danh tướng Trần Thượng Xuyên. Hàng năm, Ban hội đình Tân Lân đều tổ chức tảo mộ và cúng tế vào dịp thanh minh, lễ trùng cửu, ngày giỗ và lễ cầu an với tham dự của chính quyền cùng hàng trăm người dân. Đặc biệt, năm 2004, khu mộ cổ Trần Thượng Xuyên được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo lời ông Lâm Văn Lang (Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân) bày tỏ rằng cũng có nhiều người sau khi thăm viếng mộ có nhiều thắc mắc hỏi ông như: Trần Thượng Xuyên từng được chúa Nguyễn ban danh hiệu cao quý “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”, đồng thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc phong "Thượng đẳng thần" thế mà phần mộ lại nhỏ nhoi, khiêm tốn, không xứng tầm với lăng mộ của những đại công thần triều Nguyễn cùng thời khác. Ông Lang lý giải trải qua hàng chục năm thất lạc, không ai chăm sóc, dưới tác động của tự nhiên thì kết cấu mộ bị hoang phế là đúng. Ban đầu khi xác định được mộ, Ban hội đình Tân Lân có ý định trùng tu, xây sửa, ốp đá mới lại hoàn toàn nhưng lại có ý kiến muốn giữ nguyên hiện trạng mộ đá để cho người tham quan còn thấy nơi đây phảng phát nét hoài cổ xa xưa. Kế hoạch sắp tới cũng có dự án tôn tạo mộ Trần Thượng Xuyên cho xứng tầm, nhưng vì khu mộ là di tích đã được xếp hạng muốn làm gì thì cũng phải xin phép và được sự đồng ý của ban ngành chức năng...
Khu mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cách mộ Trần Thượng Xuyên khoảng 150m, cũng là nơi du khách thường ghé thăm viếng
Cụ Lê Văn Để, người đang bảo vệ và chăm sóc khu mộ cho biết hàng ngày cụ đều mở cửa cho nhiều đoàn du khách đến từ các tỉnh, thành khác đến tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa, lịch sử và kiến trúc mộ đá cổ của người xưa. Và cũng thật đặc biệt cách mộ Trần Thượng Xuyên khoảng 150m là khu mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Hai vị danh tướng xứ Đồng Nai: Đô đốc Phiên Trấn Gia Định Trần Thượng Xuyên và Thi tướng rừng xanh chiến khu Đ Huỳnh Văn Nghệ, dù sống cách nhau gần 3 thế kỷ nhưng lại có khá nhiều sự trùng hợp thăng trầm trong cuộc đời binh nghiệp . Và sau khi hai vị tướng ấy mất, lại thêm có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cả hai ông đều chọn mảnh đất làng Mỹ Lộc, vùng đất địa linh nhân kiệt: phía trước có con sông Đồng Nai, dưới lòng sông có lớp đá hàn; sau lưng là ngọn núi đá lửa, làm nơi yên giấc ngàn thu.
Cả hai khu mộ đều là di tích lịch sử và là nơi cho các bạn trẻ tham quan, về nguồn rất thú vị... Về nơi an nghỉ ngàn thu của những bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ mảnh đất phương Nam để chúng ta thấu hiểu tận tường công lao xương máu của bao lớp người xưa đánh đổi mới có được cuộc sống thanh bình hôm nay...