Chùa Bửu Phong nằm trên quần thể có núi, rừng phong cảnh hữu tình nên thu hút được du khách thập phương đến tham quan vãn cảnh. Dưới triền dốc núi có một giếng cổ, còn lưu truyền những truyền thuyết mang màu sắc tâm linh kỳ bí. Đến nay nhà chùa vẫn còn sử dụng nguồn nước giếng này.
Giếng cổ tọa lạc dưới triền dốc trước mặt tiền sảnh của chùa Bửu Phong, phía trên có bệ thờ phật bà Quan Âm và tấm bia đá khắc chữ Hán được xây dựng từ những năm 1963.
Nguyễn Ánh đào giếng bằng bảo kiếm
Dân gian vùng Bửu Long ngày nay vẫn còn kể cho nhau sự tích giếng cổ: Năm 1789, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh khỏi Phú Xuân (Huế) đã cùng tùy tùng tướng tá tháo chạy xuôi về phương Nam lánh nạn. Chùa Bửu Phong là nơi lý tưởng cho Nguyễn Ánh tạm tá túc. Lúc ấy chùa chưa có giếng nước, tăng ni trong chùa phải xài nước suối gần đó. Nước sinh hoạt trở thành vấn đề sinh tử của đoàn hộ giá theo Nguyễn Ánh. Nếu để quân xuống núi lấy nước, quân Tây Sơn sẽ phát hiện và lần ra dấu vết ẩn trú. Do đó, Nguyễn Ánh cho quân đào giếng trên núi tìm mạch nước nhưng chỉ gặp toàn đá. Vô vọng, Nguyễn Ánh đã quỳ khấn xin chư Phật và sơn thần phò trợ rồi rút bảo kiếm cắm mạnh xuống đất, đá thì bất ngờ có một mạch nước từ lòng đất tuôn trào lên. Nguyễn Ánh mừng rỡ cho quân lính đào sâu thêm vài mét và dùng đá xếp xung quanh tạo thành thành giếng vững chắc.
Giếng cổ vua Gia Long, dù đã hàng trăm năm nhưng mạch nước vẫn trong vắt, đến nay dấu vết miệng giếng vẫn còn giữ nguyên trạng như xưa (nguồn ảnh tư liệu của chùa Bửu Phong)
Sau khi khôi phục lại giang san, nghĩ lại ơn đức năm xưa tá túc ở một ngôi chùa nhỏ, vua Gia Long xuất tiền và ra lệnh cho xây cất và trùng ngôi chùa Bửu Long vào năm 1819. Giếng của Nguyễn Ánh ngày xưa đào được sư tổ trụ trì đời thứ năm đại lão hòa thượng Tiên Trí đặt tên giếng là Gia Long Tĩnh (tức là giếng vua Gia Long), để kỷ niệm bước chân vua một thời lưu dấu nơi mảnh đất phương Nam. Cho đến nay, dấu vết miệng giếng vẫn còn giữ nguyên trạng như xưa.
Huyền bí quả cầu lửa rơi xuống giếng
Bà Nguyễn Thị Chín, 85 tuổi, người bán nhang ở chùa Bửu Phong đã nhắc lại cho chúng tôi nghe câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1963. Không biết câu chuyện này có bao nhiêu phần trăm là sự thật nhưng thực tế Hòa thượng trụ trì đời thứ 12 Thích Thiện Giáo, đã cho tạc một bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trước giếng và tạc thêm 1 tấm bia đá khắc chữ Hán để ghi lại "sự kiện" xảy ra vào năm 1963. Bài thơ chữ Hán được dịch nghĩa:
Bửu Phong cổ tự nguyên đề
Nhằm năm Quý Mão, Bà về cứu dân
Mười chín tháng chín khởi lần
Dương lịch thì nhằm 1963
Người ta vô số hằng hà
Tật nguyền đui điếc hiểm nguy thiếu gì
Trước chùa giếng nước Cam Lồ
Uống vô hết bệnh, phun vào tật yên
Nên nay kỷ niệm lưu truyền
Xây đà tượng cốt Bà lên nơi này
Đặng đời ghi nhớ công dày
Yết Ma Thiện Giáo bút ghi để đời".
Câu chuyện được lưu truyền: Ngày 19-9 năm Quý Mão (năm 1963) là ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm, chùa có tổ chức trai đàn chẩn tế. Lúc 12 giờ khuya, bỗng dưng một số phật tử và các sư trong chùa đều trông thấy một trái cầu lửa màu đỏ rất to từ lưng chừng trời sa xuống phía sườn núi trước chánh điện. Lấy làm lạ, mọi người chạy ra xem thì quả cầu biến mất. Mọi người phán đoán, nơi quả cầu sa xuống là chiếc giếng cổ nằm dưới triền dốc. Không chỉ những người có mặt trên chùa chứng kiến hiện tượng đó, mà rất nhiều người dân Biên Hòa ở cách đó vài chục cây số cũng trông thấy. Mặc dù đã nửa khuya, họ vẫn kéo nhau đến chùa xem để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Thế là hàng trăm người truyền tai nhau rằng: Phật Bà giáng thế cứu độ chúng sinh. Họ quỳ sụp xuống trước giếng cổ niệm kinh rồi thi nhau múc nước giếng đem về. Đến khoảng 3 giờ sáng, dòng người kéo về chùa đọc kinh, múc nước giếng lên đông đến cả ngàn người.
Thời điểm đó, phong trào Phật giáo đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm đang dâng trào khắp miền Nam. Lượng người tụ tập về chùa Bửu Phong càng lúc càng đông, nhà cầm quyền e ngại xảy ra chuyện không hay. Đích thân tay trung tá Quận trưởng Đức Tu (Biên Hòa cũ) đến tận nơi thị sát và yêu cầu sư trụ trì giải tán nhưng những phật tử không đồng ý, họ la ó phản đối. Thấy vậy, viên trung tá quận trưởng móc khẩu súng rồi nói lớn với bà con: "Nếu Phật Bà linh nghiệm thì tôi chỉ bắn 1 phát chỉ thiên. Nếu súng không nổ, tôi cho bà con ở lại cầu kinh. Nếu súng nổ, bà con phải giải tán". Viên trung tá siết cò. Súng không nổ. Siết cò đến 3 lần thì cũng vậy. Bà con reo hò vang dậy, nhà cầm quyền đành cho bà con thực hiện nghi thức tín ngưỡng của mình.
Năm 2013, sau khi đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Ni trưởng trụ trì Thích Nữ Huệ Hương thỉnh di ảnh của đại tướng về chùa, thờ trang trọng trong chánh điện cho nhân dân đến cúng viếng.
Hiện nay, vài người bị bệnh hiểm nghèo tìm đến giếng cổ xin nước để tìm hy vọng cuối cùng cho sinh mạng chính mình. Có một dạo rộ lên tin đồn giếng nước "thần" trị được bách bệnh, kể cả những bệnh nan y nên ngày nào cũng có hàng chục người từ các tỉnh khác đổ về quỳ lạy dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm, cầu khẩn, rồi ra giếng múc chén nước uống ừng ực hoặc dùng nước rửa mặt, xoa lên đầu và khắp cơ thể. Hành vi mê tín này đã làm náo loạn chốn thiền môn thanh tịnh.
Giếng có thể đã không còn linh thiêng như giai thoại xưa nên một số người đã nhận ra nước giếng không có hiệu nghiệm nào để trị bệnh. Để bảo vệ lâu dài giếng cổ quý hiếm có mạch nước trong vắt trước sự xâm phạm của con người, Ni sư trụ trì hiện tại là Thích Nữ Huệ Hương đã cho trùng tu xây thành giếng cao thêm 50cm và làm một tấm lưới sắt kiên cố đặt trên miệng giếng.