Tìm về quá khứ
Theo sách sử cổ ghi lại thì Đình Thông Tây Hội được xây dựng từ năm 1679. Hai mươi năm sau đó, năm 1698 được chọn là năm thành lập Sài Gòn. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, lập phủ Gia Định và hai huyện Phước Long, Tân Bình. Từ đó Nam bộ nhập vào cương vực Việt Nam. Đình Thông Tây Hội là mốc son của năm tháng xa xưa đó, may mắn còn lại tới hôm nay.
Đình Thông Tây Hội ngày nay tọa lạc trên đường Thống Nhất (phường 11, quận Gò Vấp). Trước đây con đường làng này không được đặt tên, là trục chính nối hai làng Hạnh Thông Tây và An Nhơn Xã. Thời Việt Nam Cộng Hòa, đường có tên là Minh Mạng, sau ngày đất nước được giải phóng, đường được đổi tên thành Thống Nhất.
Đình cổ xập xệ chờ “chết”
Xập xệ, siêu quẹo, hoang tàn và mục nát trong những dấu vết tấn công của mối mọt cùng vết tích thời gian là tất cả mọi thứ để nói về ngôi đình được liệt vào dạng cổ xưa bậc nhất đất Nam bộ. Không có bất kỳ một sự quan tâm cần thiết nào được đề ra nhằm bảo vệ ngôi đình. Một cảm giác đìu hiu đến lạnh người khiến ai ai cũng không khỏi nuối tiếc trước sự lãng quên của người đời đối với ngôi tổ đình của đất Sài Gòn.
Từ phần chánh điện, hàng cột, kèo chống đỡ bằng gỗ hiển hiện trong dáng vẻ tồi tàn trước sự phá hoại không thương tiếc đến từ mối mọt. Phần nóc ngói loang lỗ, xù xì, lòi lõm chờ rớt trông rất thảm thương. Các hiện vật phục vụ cho việc thờ cúng đều đã được di chuyển sang chỗ khác nhằm phòng hờ mất cắp và hoàn toàn sụp đổ bất kỳ lúc nào. Những hàng gạch xây vội, những ủ máng xối hoen gỉ hay các trụ bê tông gia cố cột lồi lõm cũng chỉ là các giải pháp tạm thời nhằm tiếp tục duy trì sự sống cho đình Thông Tây Hội.
Phần hậu điện là công trình bị tàn phá nặng nề nhất. Lớp gạch cổ trên sàn nhà bị chôn vùi sâu dưới các đống xà bần, gạch đá. Rác bẩn từ những nhà xung quanh cũng đang âm thầm tấn công hậu điện đình Thông Tây Hội. Mùi ẩm mốc đến lạnh người khiến cho người dân chẳng buồn đặt chân đến đây. Nhiều vật dụng cổ, có giá trị lịch sử như: các tấm phản, sập, cửa gỗ, trang thờ bị bỏ hoang phế bỗng chốc trở thành điểm trú ngụ lý tưởng cho côn trùng, các loài gặm nhắm sinh sống, ngày ngày âm thầm phá hủy ngôi đình.
Trải qua thời gian dài, biết bao các cụ cao niên gắn bó từ thuở nhỏ cùng với đình thần đều đã ra đi, tâm nguyện cuối cùng của các cụ vẫn còn dang dở khi mà đình Thông Tây Hội vẫn còn là một mớ hỗn độn của bụi bẩn, loang lỗ, ọp ẹp chờ chết qua ngày. Cụ Nguyễn Thị Xuyến ngụ quận Gò Vấp thổ lộ: “Ngôi đình bây giờ xập xệ quá rồi, phần sân đình đã cao muốn bằng phần mái. Tâm nguyện của tôi cũng chỉ là được nhìn thấy ngày đình được tu bổ và trở lại với vẻ đẹp như ngày nào”.
Được biết, kinh phí hàng năm mà ngôi đình được cấp để có thể duy trì hoạt động chỉ vỏn vẹn trong con số 30 triệu đồng. Lực bất tòng tâm, những người có tâm gắn kết ngày ngày với ngôi đình già cũng chỉ biết ngậm ngùi chứng kiến sự điêu tàn ngày một lớn.
Thành phố Hồ Chí Minh đang vào cao điểm của mùa mưa gió, biết bao cơn mưa bỗng chốc trút qua khiến ngôi đình ngày càng trở nên yếu ớt, mỏng manh trong mưa giông. Chính những lúc đó, trái tim của những cá nhân có tâm với đình già lại càng thêm chua xót, chạnh lòng trong vô vọng. Những tiếng cót két, cót két lại rít lên như một lời kêu cứu của ngôi đình già.
Để bảo tồn các giá trị về kiến trúc, nghệ thuật tại đình thần Thông Tây Hội. Kính mong các cơ quan ban ngành liên quan xem xét và sớm có hướng giải quyết dứt điểm sự xuống cấp trầm trọng này.
Năm 1998, đình Thông Tây Hội được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Cũng từ đây, nhiều vấn đề rắc rối cũng bắt đầu nảy sinh. Do được Bộ VH-TT-DL công nhận nên mọi thủ tục xin xây dựng, trùng tu bảo vệ đình, ban quản lý đều phải làm đơn, đệ trình lên Bộ và chờ sự đồng ý thì mới được làm. Đó là những lời bộc bạch trong vô vọng của ông Nguyễn Văn Tý- Trưởng ban trị sự đình Thông Tây Hội. |