“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Thực khách nặng “tội” hơn thợ săn!

Ảnh một chú khỉ mặt đỏ bị trói gọn nằm dưới đất đăng trên trang nhất báo Pháp Luật TP.HCM ngày 9-6 đã làm tôi sững sờ, xúc động. Chắc chắn có nhiều người nữa cũng thấm nỗi đau khi nhìn sợi dây điện sắc lạnh siết chặt tứ chi con vật vào nhau khiến chúng sưng vù trông như đã hoại tử. Đôi mắt mở trừng trừng cho chúng ta thấy con vật vừa trải qua những giây phút trên cả kinh hoàng tột cùng do con người, một loài động vật được cho là văn minh nhất hành tinh gây nên!

Bức ảnh làm tôi nhớ lại một dịp ghé thăm Trung tâm Cứu hộ linh trưởng ở rừng Cúc Phương - Ninh Bình cách đây hơn năm năm. Lãnh đạo trung tâm là một người Đức. Ông ta đang hứng khởi giới thiệu chúng tôi những con vật được trung tâm cứu sống và chuẩn bị thả về rừng thì phải dừng lại, hấp tấp trở về phòng bắt tay cứu chữa một chú voọc chà vá bị trọng thương vừa được đem từ Nghệ An ra. Có quan sát ông làm việc mới thấy ông ta yêu thương con vật đến cỡ nào. Chiếc khẩu trang không ngăn được tiếng xuýt xoa đầy xót xa khi ông đụng dao kéo vào vết thương con vật. Và hôm sau, chúng tôi đến từ biệt thì gặp ông buồn thiu vì con vật đã không qua khỏi dù được túc trực chăm sóc thâu đêm. Thử hỏi giữa ông ta, thợ săn và cả người ăn thịt con vật khác nhau cái gì mà một bên đem sự sống, còn một bên thì tận diệt?

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” ảnh 1

Bàn tay một con linh trưởng bị xẻ thịt nhìn giống như bàn tay của một đứa trẻ. Ảnh: MINH QUÊ

Tôi thiển nghĩ đó là sự khác nhau về tâm hồn thông qua nền giáo dục con người ngay từ nhỏ. Sự giáo dục ấy, không phải ở những bài rao giảng sáo rỗng mà phải kiên trì cho thấm dần vào tâm hồn đứa trẻ bằng những việc làm cụ thể hằng ngày của người lớn, để chúng biết yêu thương loài vật, biết cảm nhận cái đau của con vật gặp phải mà ra tay cứu giúp…

Tiếc là trong nhiều bữa tiệc, để tỏ lòng quý nhau, người ta hay đãi khách món thịt rừng với giá không hề rẻ. Chủ thích đã đành mà khách cũng tỏ ra rất ưng ý. Chẳng hạn, một chú chồn mướp nặng hơn hai kí, bị dính bẫy đã chết trước khi được mua lại có giá hơn nửa triệu đồng. Nếu còn sống giá phải… gấp đôi! Hay một con trút được một nhà hàng sang trọng mua với giá gần năm triệu bạc. Đó là lý do tại sao động vật hoang dã ngày dần tuyệt chủng.

Với người đi săn, có từ bỏ công việc mình làm hay không là cả sự trả treo cuộc sống nghèo khổ giữa được và mất. Nhưng với những người đành lòng ăn thịt những con vật mà cả thế giới đang kêu gọi bảo vệ vì sự tuyệt chủng, họ đã đánh mất giá trị vẻ đẹp tâm hồn của mình. Ai đáng trách hơn?

TRẦN KIÊM HẠ

Tích cực hành động để không ân hận

Nhìn hình ảnh các con vật của rừng ở Phong Nha-Kẻ Bàng bị săn bắt, bị con người phơi nguyên hình hài trên bàn ăn tôi không cầm được nước mắt. Ngón tay, khuôn mặt, hình hài của con linh trưởng gần giống như con người. Con linh trưởng há mồm nhe răng ra như hứng chịu sự đau đớn khi bị con người đem đi thịt. Sao họ nỡ…?

Ừ, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân chính ở đây là sự thiếu ý thức của những người nhậu thú rừng và người bẫy thú rừng.

Muốn biết sự sùng bái thịt thú rừng như thế nào, bạn có thể về Quảng Nam quê tôi, đặc biệt là dịp tết. Năm nào cũng vậy, người ta hay biếu nhau thịt rừng vì quan niệm thú rừng thường chạy nhanh, nhảy nhanh nên ăn thịt rừng may mắn cả năm. Tết đến, trong tủ lạnh những nhà có tiền, quan chức thường có những thớ thịt nai, hoẵng, cheo, chồn… để đãi khách.

Một người bạn của anh tôi chuyên sống bằng nghề săn bắt thú rừng để bán cho các nhà hàng và các mối trong dân. Sau nhiều năm làm nghề, nay ông có đủ các loại bẫy các con hoẵng, heo, cheo, chồn, mang, khỉ, cầy hương… do tự mình làm ra.

Mỗi lần ông đến chơi, mẹ tôi đều khuyên ông bỏ nghề. Mẹ tôi hay lấy câu chuyện người này giẫm phải bẫy của người kia mà bị thương hoặc chết ra để ngăn ông. Mẹ tôi không nói rộng xa về sự mất cân bằng sinh thái, về sự tuyệt chủng của một loài nào đó mà chỉ lấy luật nhân quả của đạo Phật. Mở đầu và kết thúc câu chuyện bà thường nhắc đi nhắc lại câu ông bà ta hay nói: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Nghe nhiều nên ông bạn của anh tôi có vẻ như thấm. Có lần sau khi đi bán một con cheo với giá 800.000 đồng cho nhà hàng về, ông ghé thăm mẹ tôi với vẻ mặt đầy tâm trạng. Ông nói muốn bỏ nghề vì thấy thất đức, nguy hiểm và đủ thứ bấp bênh, thằng con học đến lớp 9 không chịu đi học nữa mà nhất định theo cha đi bẫy thú. Tuy nhiên, nghĩ mãi ông vẫn không biết phải bám nghề gì đề sống, đất đai không có, học hành không tới nơi tới chốn, tuổi cũng đã lớn trong khi bao nhiêu thứ chi tiêu hằng ngày, học phí cho con… ông phải gánh hết. Mẹ tôi gợi ý ông đi học nghề cây kiểng rồi chuyển nghề. Ông có vẻ chịu nghe nhưng rồi lần lữa mãi ông chưa thay đổi gì.

Phải chi chính quyền có cách tuyên truyền thực sự lay động về mối nguy hiểm khi tận diệt thú rừng đi kèm theo chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề thì có thể ông đã khác. Phải chi trên tivi hằng ngày có những hình ảnh, con số kêu gọi “nói không với thịt rừng” thì có thể nhiều người đã chủ động chọn động vật khác thay thế cho món ngon miệng của chính mình.

ĐÔNG YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm