Ấn Độ đang hướng tới việc phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới tất cả mọi mục tiêu ở châu Á, hãng tin RT ngày 29-1 đăng tải bài viết của cựu nhân viên tình báo hải quân Ấn Độ Shishir Upadhyaya cho hay.
Tuần trước, Ấn Độ thông báo đã thử thành công tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm K-4 có tầm bắn thiết kế lên tới 3.500 km. Ông Upadhyaya cho rằng New Delhi sẽ phát triển tên lửa K-5 có tầm bắn đến 5.000-6.000 km và có khả năng mang tổng khối lượng đầu đạn hạt nhân lên đến 2.000 kg.
Hình ảnh từ vụ thử tên lửa hạt nhân K-4 ngày 19-1 ở đông nam Ấn Độ. Ảnh: NAVAL NEWS
Tên lửa K-4 với tầm bắn 3.500 km
Báo Times of India cho biết Ấn Độ đã tổ chức thử tên lửa K-4 ở ngoài khơi thành phố Visakhapatnam, đông nam nước này ngày 19-1. Tên lửa được phóng từ một ụ phóng nổi thay vì phóng từ tàu ngầm để tránh nguy cơ thiệt hại nếu vụ thử không thành công.
Tuy nhiên, kết quả đã khiến giới chức New Delhi hết sức vui mừng. “Dù đã được thử nghiệm nhiều lần trước đó, đây là lần đầu tiên tên lửa được phóng tới một khu vực ở tầm xa”, một quan chức Ấn Độ nói.
Người này cũng cho biết không có bất kỳ sự cố bất ngờ nào xảy ra trong suốt vụ thử và tên lửa K-4 đã có “tất cả các thông số đáng mơ ước”. Hành trình bay của tên lửa đạt đến khoảng cách 2.200 km.
Tên lửa K-4 sẽ được trang bị lên tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên của Ấn Độ lớp Arihant. Một tàu ngầm Arihant có thể mang theo bốn tên lửa K-4 hoặc 12 tên lửa K-15 có tầm bắn ngắn hơn.
Năng lực phát triển tên lửa có tầm bắn xa hơn
Trong khi đó, tên lửa K-5 sẽ được phát triển để có thể tấn công từ cả trên bộ, trên không và trên biển. Nhờ đó Ấn Độ sẽ gia nhập nhóm các nước có tàu ngầm được trang bị tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ, Nga và Trung Quốc, ông Upadhyaya nói.
Tên lửa K-5 có khả năng mang theo bốn đầu đạn hạt nhân đa định hướng MIRV với khối lượng mỗi đầu đạn là 500 kg và tương thích với hệ thống phóng tên lửa từ mặt đất Agni V mà Ấn Độ đã phát triển thành công.
Một lần phóng thử tên lửa từ hệ thống phóng Agni V của Ấn Độ. Ảnh: NYT
Với tầm bắn khoảng 5.000 km, tên lửa này có thể vươn tới mọi nơi ở châu Á. Cùng với đó, việc triển khai tên lửa K-5 trên tàu ngầm tiếp tục mở rộng tầm hoạt động của nó ra cả châu Âu, châu Phi và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thậm chí, một quan chức Ấn Độ nói với tờ Hindustan Times rằng nước này có khả năng phát triển cả những tên lửa có tầm bắn xa hơn - ở tầm bắn liên lục địa - song mọi quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền New Delhi.
Cuộc đua vũ trang ở Ấn Độ Dương
Những động thái này của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở Ấn Độ Dương. Trong khi Pakistan cũng có được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực quân sự nhờ sự giúp đỡ của Bắc Kinh.
Ông Upadhyaya nhận định những động thái gấp rút phát triển năng lực hạt nhân của New Delhi chủ yếu là để ngăn chặn các đối thủ tiềm năng ở châu Á.
Ông còn khẳng định tầm quan trọng của lực lượng hạt nhân trên tàu ngầm như một phương án đảm bảo trong trường hợp lãnh thổ đất liền của Ấn Độ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.