Mới đây, vợ chồng ông Đ. có đơn gửi chánh án TAND TP.HCM khiếu nại việc TAND quận 1 thụ lý đơn kiện của ông T. không đúng pháp luật. Ngoài ra, tòa này còn chấp nhận yêu cầu của ông T., ra quyết định ngăn chặn việc cấp giấy chủ quyền căn nhà 239 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ chồng ông.
Theo trình bày của vợ chồng ông Đ., năm 2009 vợ chồng ông cần vay tiền nên thế chấp căn nhà 239 Trần Hưng Đạo cho ông Nguyễn Phan Đức.
Sau đó, ông Đức sử dụng bộ hồ sơ giấy tờ nhà và làm giả thêm một số giấy tờ khác đem chuyển nhượng căn nhà trên cho vợ của ông T. Do vậy, vợ chồng ông Đ. đã khởi kiện, yêu cầu TAND quận 1 hủy hợp đồng ủy quyền, hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Đức với vợ ông T., buộc bà này phải trả lại giấy tờ căn nhà trên cho vợ chồng ông.
Qua giám định, cơ quan tố tụng đã xác định ông Đức sử dụng nhiều giấy tờ giả để bán căn nhà 239 Trần Hưng Đạo nên cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án nhưng sau đó tạm đình chỉ do ông Đức bỏ trốn.
Căn nhà 239 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM hiện bị TAND quận 1 ra quyết định ngăn chặn việc cấp giấy chủ quyền khiến vợ chồng ông Đ. khiếu nại. Ảnh: HỒNG TÚ
Ngày 30-7-2014, TAND quận 1 xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Đ., tuyên hủy hợp đồng ủy quyền giữa vợ chồng ông Đ. với ông Đức. Đồng thời, tòa tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất và nhà 239 Trần Hưng Đạo giữa ông Đức với vợ ông T., buộc bà này có trách nhiệm trả lại giấy chứng nhận căn nhà trên.
Ngoài ra, tòa còn tuyên trong trường hợp không thu hồi được giấy chứng nhận từ vợ ông T. thì vợ chồng ông Đ. được liên hệ cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận khác. Tháng 4-2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm chỉ sửa lại phần án phí, các nội dung khác của bản án sơ thẩm được giữ nguyên.
Tháng 10-2015, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại. Tuy nhiên, ngày 22-6 vừa qua, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng nghị trên, giữ nguyên bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
Theo vợ chồng ông Đ., trong suốt quá trình giải quyết vụ án, vợ ông T. đã có văn bản xác định tài sản dùng mua căn nhà trên là tài sản riêng của bà. Điều này cũng đã được các cấp tòa xác định nên không đưa ông T. (chồng bà) vào tham gia tố tụng. Nay vụ việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật mà TAND quận 1 lại thụ lý đơn khởi kiện của ông T. với lý do quyền lợi của ông T. bị ảnh hưởng là không đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi về vụ án này, TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự (ĐH Luật TP.HCM), nhận xét: Ông T. có quyền khởi kiện nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, theo quy định thì người khởi kiện có nghĩa vụ chứng minh việc khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Do vậy, ông T. phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ mới, chưa được các cấp tòa trước đây xem xét giải quyết thì tòa án mới thụ lý.
“Nếu ông T. không đưa ra chứng cứ nào mới thì TAND quận 1 phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 vì sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…” - TS Tiến nói.
Tòa sẽ xem lại điều kiện thụ lý đơn kiện Hồ sơ vụ tranh chấp liên quan đến vợ ông T. trước đây hiện còn được lưu giữ trên TAND Cấp cao tại TP.HCM. Do vậy, khi phía ông T. nộp đơn khởi kiện, chúng tôi chưa có điều kiện để xem xét lại hồ sơ vụ kiện cũ và theo quy định tòa phải thụ lý. Sắp tới chúng tôi sẽ có văn bản xin mượn hồ sơ để xem xét lại điều kiện thụ lý vụ kiện này. Nếu các bên đương sự cung cấp được chứng cứ xác định tài sản tranh chấp là tài sản riêng của vợ ông T. thì tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Bởi hiện nay ngoài đơn khởi kiện và các tài liệu cũ, ông T. không nộp được chứng cứ nào mới mà chưa được các cấp tòa án giải quyết trong vụ kiện trước đây. Thẩm phán TRƯƠNG THỊ QUỲNH TRÂM, Phó Chánh án TAND quận 1, người được phân công thụ lý giải quyết vụ án |