Công an huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) vừa khởi tố bốn bị can: Nguyễn Văn Dũng, Lê Đình Minh Cường (cùng quê Quảng Trị), Phan Quang Vũ (quê Trà Vinh), Nguyễn Thanh Hóa (Bình Thuận) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Công an huyện Sóc Sơn nhận được đơn trình báo của anh ĐV về việc bị mất 200 triệu đồng trong tài khoản.
Cụ thể, anh đã rao bán chiếc ô tô trên website Chợ Tốt và có người nhắn tin nói là đang ở nước ngoài, muốn mua chiếc xe của anh.
Qua trao đổi, người này đề nghị đặt cọc 30 triệu đồng và gửi cho anh đường link www.western-union-moneybanking.weebly.com, hướng dẫn anh điền thông tin về tài khoản ngân hàng để nhận tiền. Khi anh V. làm theo hướng dẫn thì tài khoản của anh bị mất 200 triệu đồng.
Công an vào cuộc, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ xác định được nhóm người trên.
Đối tượng mà bọn lừa đảo nhắm tới là những người bán hàng qua mạng. Ảnh nhỏ: Nhóm lừa đảo gửi hóa đơn tiếp nhận tiền của Western Union và đường link website giả mạo cho nạn nhân. Ảnh: HOÀNG GIANG - BCA
Theo điều tra ban đầu, khi ở nhà trọ tại quận 9 (TP.HCM), Dũng đã nghĩ cách giả trang web dịch vụ chuyển tiền quốc tế để đánh cắp thông tin tài khoản của người khác và rủ Vũ, Hóa, Cường cùng thực hiện. Nhóm của Dũng thường lên website Chợ Tốt, giả là đang ở nước ngoài muốn mua hàng và chuyển tiền đặt cọc, yêu cầu nạn nhân cung cấp số tài khoản để chuyển tiền, đồng thời gửi đường link giả website chuyển tiền quốc tế cho nạn nhân.
Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn, thông tin về tài khoản ở ngân hàng của nạn nhân sẽ bị nhóm của Dũng nắm giữ, thực hiện việc lấy tiền.
Theo Bộ Công an, đây là thủ đoạn mới mà bọn lừa đảo sử dụng để chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ. Thủ đoạn này có khả năng thành xu hướng tội phạm trong thời gian tới, có thể mở rộng sang các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.
Các nhóm lừa đảo đóng giả là người Việt Nam đang ở nước ngoài, đặt mua hàng số lượng lớn và đề nghị chuyển tiền trả trước cho người bán thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.
Nhóm lừa đảo làm giả hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; chụp ảnh hóa đơn, chứng từ gửi cho bị hại làm nạn nhân nghĩ là bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền. Đồng thời, bọn lừa đảo sẽ chuyển đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union qua các ứng dụng Zalo, Facebook... rồi hướng dẫn bị hại đăng nhập vào đường link này.
Khi nạn nhân nhấp vào đường link sẽ được chuyển đến một trang web giả, giống website của Western Union và bị hại thực hiện khai báo các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... trên website giả mạo để làm thủ tục rút tiền.
Sau khi có được thông tin, nhóm lừa đảo sẽ chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của họ. Để hoàn tất việc trộm tiền trong tài khoản, nhóm lừa đảo sẽ gửi tin nhắn yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP trên trang web giả. Đúng lúc này, nhóm lừa đảo cũng thực hiện việc rút tiền nên ngân hàng trong nước sẽ gửi mã OTP vào điện thoại của bị hại. Khi bị hại điền mã OTP này để hoàn tất thủ tục nhận tiền trên website giả mạo, việc chiếm đoạt tiền của nhóm lừa đảo cũng đã xong.
Không cung cấp mã OTP cho người khác Bộ Công an cảnh báo: Người bán hàng qua mạng thông qua hệ thống chuyển tiền quốc tế cần cảnh giác, thận trọng, xác minh kỹ thông tin và chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên mạng. Tài khoản dùng để giao dịch online không nên để số dư quá lớn. Khi phát hiện hoặc bị lừa đảo, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn). |