Liên quan đến vụ ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, trú xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) phải mang thân phận tử tù suốt 43 năm, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã có cuộc họp và thống nhất kết luận đây là vụ oan sai.
Dù chưa công bố chính thức nhưng qua thông tin trên mặt báo, ông Thêm đã biết được tin vui này, cả đại gia đình ông vỡ òa trong hạnh phúc, vui sướng.
Sáng 10-8, ông Trần Văn Thảo (con trai ông Thêm) nói với Pháp Luật TP.HCM: “Tối qua nghe thời sự thông báo, cụ vui lắm, nửa đời cụ sống trong nỗi oan, giờ có thể thanh thản rồi. Cụ bảo sau này hai bên gia đình (gia đình cụ Thêm và gia đình nạn nhân - PV) có thể đi lại với nhau rồi”.
Ông Thảo cho biết kể từ ngày ra tù, ông Thêm yếu đi rất nhiều, thường xuyên đau ốm. Hiện ông đang được người nhà đưa lên Hà Nội khám bệnh nên chưa thể trao đổi với PV. Đêm 9-8, sau khi biết tin có kết luận chính thức bị oan, ông không chợp mắt nổi vì quá vui mừng.
Ông Trần Văn Thêm, người phải mang thân phận tử tù oan suốt 43 năm qua. Ảnh: TUYẾN PHAN
Trước đó, tiếp xúc với PV, ông Thêm nói rằng vì bị oan, không chỉ có mình ông đi tù oan mà con cháu và cả dòng họ của ông đều bị mang tiếng có kẻ giết người. Khi đoàn công tác của TAND Tối cao về gặp ông để tìm hiểu vụ việc, thậm chí người nhà nạn nhân trong vụ án còn nghĩ ông và con cháu đã đút tiền để chạy án.
“Bà ấy (vợ nạn nhân - PV) đến lúc chết vẫn nghĩ tôi là hung thủ. Các con của bà ấy hiện vẫn nghi ngờ tôi, hai gia đình không qua lại với nhau đã mấy chục năm. Giờ đã 80 tuổi, tôi chỉ có ước muốn lớn nhất là được minh oan, dù chết cũng thanh thản, minh oan để được gột tiếng là kẻ giết người, để hai gia đình có thể qua lại” - ông Thêm nói.
Trong một diễn biến khác, LS Vũ Văn Lợi (Đoàn LS Hà Nội, người trợ giúp pháp lý miễn phí cho cụ Thêm) chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Tôi quá vui mừng khi biết tin cụ Thêm được kết luận là oan sai, đã nhiều lúc vụ án đi vào bế tắc, tôi đã nghĩ tới việc bỏ giữa chừng nhưng cuối cùng kết quả tốt đẹp cũng đến”.
LS cho hay trước mắt, ông cùng gia đình ông Thêm sẽ chờ công bố kết luận chính thức về vụ oan sai và buổi xin lỗi công khai đối với ông. Tiếp đó, vấn đề bồi thường oan sai cũng phải được tiến hành theo đúng quy định pháp luật.
LS Lợi cũng chia sẻ thêm qua làm việc cùng LS, ông Thêm không có quá nhiều yêu cầu về việc bồi thường oan sai, bởi điều mong muốn nhất của ông là được minh oan, do đó các thủ tục đòi bồi thường sẽ được tiến hành từng bước.
Theo hồ sơ, đêm 23-6-1970, ông Thêm cùng em họ là ông Văn đi mua hàng, về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên vào chòi ven đường để ngủ. Khoảng 1 giờ sáng, khi đang ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập búa vào đầu mình. Cùng lúc, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu ông Văn. Nghe tiếng kêu cứu, người dân đưa anh em ông Thêm vào BV cấp cứu nhưng ông Văn đã chết. Cho rằng ông Thêm là hung thủ giết người, tháng 8-1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8-1973, cấp phúc thẩm tiếp tục y án sơ thẩm. Đầu năm 1976, ông Thêm được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. Thời điểm này, ông đã bị giam năm năm sáu tháng bảy ngày. Ra ngoài, ông đi kêu oan nhiều năm, gửi đơn đến các cấp nhưng các cơ quan trả lời là không có đủ căn cứ xác định oan sai do không tìm thấy giấy tờ. Đến năm 2014, với sự giúp đỡ của người thân và LS, gia đình ông mới tìm thấy hai bản sơ thẩm và phúc thẩm lưu trữ tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Từ 2014 đến nay, ông Thêm và gia đình tiếp tục gửi đơn khắp nơi để kêu oan. |