Thu gom, nâng giá thực phẩm trong mùa dịch có bị xử lý?

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành và địa phương xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý. Cụ thể là các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, trang thiết bị y tế,…

Việc lợi dụng tình hình khan hiếm trong tình hình dịch bệnh, mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị xử lý theo quy định.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: Người lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 196 BLHS về tội đầu cơ.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh hiện nay một số người đã bỏ tiền ra mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với số lượng lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu tiêu dùng mục đích là làm cho thị trường khan hiếm rồi sau đó bán giá cao thu lợi bất chính.

Hình phạt cao nhất đối với tội danh này đến 15 năm tù. Trường hợp pháp nhân phạm tội này thì mức phạt cao nhất đến 9 tỉ đồng.

Trường hợp chưa đến mức bị xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 46 Nghị định 185/2013 với mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ sáu tháng hoặc đến 12 tháng. Đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ sáu tháng đến 12 tháng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, luật sư Hoan cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm