Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ban hành văn bản hướng dẫn công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Theo đó, hằng năm mỗi thẩm phán chọn ít nhất một vụ án để xét xử rút kinh nghiệm. Kết quả phiên tòa này là một trong các tiêu chí để bình xét thi đua thẩm phán và đơn vị.
TAND Tối cao khuyến khích thẩm phán và các tòa án lựa chọn vụ án có phức tạp hoặc vụ án có luật sư tham gia để xét xử tại phiên tòa rút kinh nghiệm (trừ những vụ liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của các đương sự). Tòa có thể kết hợp việc chọn vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm với việc hướng đến bản án này có khả năng được chọn làm án lệ...
Chỗ ngồi mới tại phòng xử Tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA
Theo TAND Tối cao, phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Thứ nhất, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tố tụng quy định trong Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật tố tụng nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ và nghiêm minh của pháp luật.
Thứ hai, thể hiện được văn hóa pháp lý nơi xét xử, từ việc bố trí phòng xử án, trang phục của thành viên HĐXX, kiểm sát viên đến cách xưng hô, vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng…
Thứ ba, nghị án phải đảm bảo đúng pháp luật, phán quyết của HĐXX phải được quyết định theo đa số và phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của các bên tranh tụng và những người tham gia tố tụng…