Ăn uống thiếu kiểm soát, tác nhân gây bệnh gút

Viện trưởng Viện Nghiên cứu bệnh gút, khẳng định tại buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh gút, điều trị và phòng ngừa tái phát” do báo Pháp Luật TP.HCM vừa tổ chức.

Chưa có vaccine ngăn ngừa bệnh

PGS-TS Phan Văn Các cho biết gút là bệnh lý của rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urát tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng thường là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp vào ban đêm hay nửa đêm về sáng.

Đa phần bệnh nhân chủ quan, khi điều trị dứt được cơn đau, tự cho là đã khỏi bệnh mà không biết rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển bên trong, từ hai đến ba năm, thậm chí có người 5-10 năm sau bệnh mới tái phát và trở nên nặng hơn rất nhiều. Ở giai đoạn muộn hơn, có thể xuất hiện những u, cục gọi là hạt hay cục tophi (tophus) xung quanh khớp, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, có khi vướng víu, cản trở hoạt động của bàn tay, bàn chân làm suy giảm sức lao động và chất lượng sống. Đặc biệt, nguy cơ gây biến dạng khớp và có thể dẫn đến tàn phế.

Ăn uống thiếu kiểm soát, tác nhân gây bệnh gút ảnh 1

Biến chứng của gút. Ảnh: NM

Cũng theo PGS-TS Các, những nguyên nhân sau làm nảy sinh bệnh: Đầu tiên là do tăng bẩm sinh, do thiếu men HGPRT nên lượng acid uric tăng cao ngay từ nhỏ, bệnh có các biểu hiện về toàn thân, thần kinh, thận và khớp. Trường hợp này hiếm gặp và nếu có thì rất nặng. Thứ hai, bệnh gút nguyên phát, bệnh gắn liền với các yếu tố di truyền và cơ địa, những bệnh nhân này có quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng acid uric. Tiếp theo là bệnh gút thứ phát, bệnh do acid uric trong máu tăng bởi những nguyên nhân như tiêu thụ các loại thức ăn có chứa nhiều purin (gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua); uống nhiều bia rượu; do trong cơ thể tăng cường thoái giáng purin nội sinh (phá hủy nhiều tế bào, tổ chức) liên quan đến các bệnh lý huyết học như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcom hạch, đa u tủy xương hoặc do sử dụng những thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh u ác tính hay do giảm thải acid uric qua thận. Từ viêm thận mạn tính, suy thận làm cho quá trình đào thải acid uric giảm và ứ tích lại gây bệnh. 

Theo Tây y, cách chữa trị phổ biến là dùng colchicin (thuốc đặc hiệu điều trị gút) và các loại chống viêm, giảm đau không chứa steroid (NSAID) kết hợp với các thuốc giảm tổng hợp acid uric như allopurinol hoặc thuốc làm tăng đào thải acid uric. Một trong những phương pháp điều trị khá phổ biến hiện nay là kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Trong đó, người ta cố gắng lựa chọn sử dụng tối thiểu lượng thuốc Tây trong giảm đau, chống viêm và vận dụng tối đa năng lực của thuốc Nam (Đông y), phối hợp để cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua khôi phục hoạt động của các chức năng gan, thận.

Ăn uống hợp lý để phòng bệnh

Bác sĩ Nguyễn Hồng Thu và PGS-TS Phan Văn Các khuyên người bị tăng acid uric máu và bệnh gút không nên uống nhiều bia, rượu. Không ăn các thức ăn chứa nhiều purin như phủ tạng động vật (tim, gan, thận, lá lách, óc), trứng lộn gà, vịt, trứng cá, cá trích, cá cơm, cá đối, cá mòi. Không ăn mỡ động vật, giảm ăn đường. Hạn chế protid (<1 g protein/kg/ngày tương đương <200 g thịt nạc mỗi ngày). Không ăn nhiều đồ biển (tôm, cua…), các loại đậu, hạt, nhất là đậu Hà Lan, măng tây, chocolate, cacao, trà, cà phê. Tăng cường các loại rau xanh, trái cây tươi, các loại ngũ cốc, sữa, trứng tươi. Uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate cho thể dịch và nước tiểu ngả về trung tính hoặc kiềm, nước sắc lá sa kê. Đồng thời, chống béo phì, tăng cường vận động, tránh stress, tránh gắng sức.

Đặc biệt, nên giảm hoặc ngưng hoàn toàn bia, rượu, vì uống nhiều bia hoặc rượu làm tăng cơ hội mắc bệnh. Cụ thể, việc uống rượu nhiều sẽ làm sản sinh acid lactic. Acid lactic sẽ tranh chấp đào thải với acid uric, làm cho lượng acid uric không thể thoát ra ngoài hoặc thoát với khối lượng ít. Người hoạt động nhẹ nhàng nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Người lao động nặng, hoạt động thể thao cần nhiều hơn, có thể 3-5 lít để giúp hòa loãng acid uric trong cơ thể và “nước chảy đá mòn” cuốn hút, loại bỏ chúng theo đường tiết niệu ra ngoài.

VŨ YẾN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm