Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, hết chạy đầu phố đến cuối phố, hỏi từng nhà, thăm từng người, lo từng bó rau muống đến từng viên thuốc cho người dân trong mùa dịch. Đó là hình ảnh của Đại úy Trần Thanh Long (36 tuổi), cảnh sát khu vực (CSKV) khu phố 5 và 6, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Mới về phụ trách địa bàn được hơn một năm nhưng anh được bà con trong hai khu phố tin tưởng, yêu mến như người thân trong gia đình.
Cảnh sát khu vực Trần Thanh Long đang tiếp nhận, phân phối lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân bị phong tỏa tại khu phố 6, phường An Khánh, TP Thủ Đức. Ảnh: VIỆT HOA
“Trọng tài” phân xử
Hồi cuối tháng 7, khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi mang một ít lương thực, thực phẩm đến hỗ trợ cho 120 hộ dân tại khu phố 6, phường An Khánh vì khu vực có một số người dân nhiễm COVID-19 nên đang bị giăng dây, dựng hàng rào phong tỏa.
Trong tình cảnh dịch bệnh dễ lây lan, chúng tôi dự định tập kết hàng tại một điểm đầu lối vào rồi thông báo để bà con lần lượt ra nhận theo cách mà chúng tôi đã thực hiện tại các khu vực khác.
Vừa tới nơi, chúng tôi thấy một CSKV (anh Trần Thanh Long - PV) đang chia quà mới xin được bên ngoài về cho bà con. Anh dứt khoát không để chúng tôi thực hiện như kế hoạch bởi tình hình khu vực khá phức tạp, không chỉ về dịch bệnh mà còn cả an ninh trật tự.
Nhìn vẻ mặt nghiêm nghị của anh CSKV, chúng tôi đang có chút nghi ngờ là bị “gây khó dễ” thì vài người dân đứng trong nhà trọ gần đó nói vọng ra “khu vực này chỉ có chú ấy mới sắp xếp được thôi”.
Hàng bốc xuống, anh CSKV vẫn yêu cầu phải giữ vững “thành trì” phong tỏa. Anh thông báo cho một số người dân đại diện, mang xe máy chở hàng vào trong. Chúng tôi đứng ngoài chuyển hàng vào, anh đỡ từ trong hàng rào chắn. Vừa lo sắp xếp hàng hóa vừa liên tục yêu cầu người dân giữ khoảng cách.
Xong việc, anh dẫn tôi vào khu ở của 75 hộ dân nằm sâu trong hẻm, vốn là nơi sinh sống của bao người dân nghèo. Đó là những phòng trọ tối tăm, xập xệ, ẩm thấp…
Khi hàng tập hợp sẵn ở giữa các dãy trọ thì đã có những tiếng tranh cãi. “Bà con giữ trật tự, mốt tui còn kêu vận động chứ mà cứ vầy là thôi luôn á” - anh CSKV vừa dàn xếp trật tự vừa làm “trọng tài” phân xử. Lúc này tôi mới hiểu vì sao anh “rắn” với chúng tôi ngay từ đầu.
Lo cho dân như người thân trong nhà
Sắp xếp phần quà cho 75 hộ này xong, anh tiếp tục sắp từng bó rau muống, gạo, mì tôm và thực phẩm của chúng tôi cho 45 hộ dãy đối diện. Lưng áo vẫn ướt mồ hôi, miệng nói, tay làm, nhanh thoăn thoắt. “Đủ 45 phần rồi, bà con về chia nhau ăn nhé” - anh dặn khi chất bó rau muống cuối cùng lên chiếc xe lôi cho người dân đưa vào trong khu phong tỏa.
Hỏi thêm về anh CSKV, bất kỳ người dân nào tại khu vực này đều bày tỏ sự yêu quý và nể phục.
Bà Phan Thị Hương, một người dân tại khu phố 6, nói: “Chú Long được dân chúng tôi yêu quý lắm. Nhiệt tình, gần gũi giúp đỡ bà con không kể mưa nắng hay đêm hôm khuya khoắt. Người dân nào cũng được chú đối xử như nhau và rất thẳng thắn, công bằng”.
“Chú ấy bình dân lắm. Ở đây toàn là dân lao động nên mỗi khi giải thích các chính sách, chú Long luôn diễn đạt bằng từ ngữ rất đơn giản cho bà con hiểu, tiếp thu. Những nơi bị phong tỏa, chú ấy lăn xả, lo cho bà con từng miếng ăn, không đủ thì chú ấy đi vận động xin thêm bên ngoài” - bà Hương chia sẻ và cho hay dân ở đây có chuyện gì cũng kêu anh Long. Bà tiếp: “Trong khu phong tỏa, nhiều nhà có người ốm đau, không biết kêu ai cũng gọi điện thoại cho chú Long”.
Bà Hương còn nói mỗi khi gia đình nào có F0, anh Long luôn có mặt để hỗ trợ, mang đồ ăn, thức uống đến chăm lo, chở đi bệnh viện; đồng thời dặn dò bà con xung quanh không nên kỳ thị mà động viên, giúp đỡ để người bệnh mau khỏe.
Ông Trần Xuân Dương, phó ban điều hành khu phố 6, cũng dành rất nhiều lời khen cho anh CSKV phụ trách địa bàn. “Anh ấy tận tụy, sát dân, được bà con thương mến lắm. Chúng tôi trong ban điều hành cần hỗ trợ gì anh Long đều phối hợp liền. Bất cứ điểm “nóng” nào dân kêu là chạy tới ngay. Phong cách làm việc thân thiện, gần gũi, dân dã, không màu mè, kiểu cách” - ông Dương nói.
“Tôi sống ở đây hơn hai chục năm rồi, có những đối tượng cũng rất ương bướng, chúng tôi tiếp xúc, giải thích không được nhưng anh Long nói là nghe hết” - ông Dương kể và chia sẻ thêm, trong quá trình khu phố phối hợp với CSKV để tuyên truyền, vận động và giải quyết các vấn đề tại khu vực, họ luôn được anh CSKV trẻ hưởng ứng, hỗ trợ tận tình.
“Anh Long luôn lắng nghe, có việc gì cũng bàn bạc với dân rồi giải quyết. Điều gì giúp được cho dân là giúp liền, vượt thẩm quyền thì nói để về báo cáo cấp trên. Được hay không được đều báo lại cho dân biết. Mới về phụ trách địa bàn được hơn một năm mà dân quý lắm” - ông Dương gật gù hài lòng nói.
Vị phó ban điều hành khu phố 6 không ngừng kể về anh CSKV mà ông nói không phải ai cũng làm được. Điểm nóng nào cũng có bóng dáng anh Long, từ tiêm vaccine, trực ở bệnh viện dã chiến, trực ở các chốt ngoài đường, trực chốt phong tỏa đến tiếp nhận và phân phát lương thực, thực phẩm cho bà con trong khu phong tỏa... “Lúc mới phong tỏa, chưa có hàng hỗ trợ kịp, anh Long đã đi vận động xin về cho dân, ai cho gì là chạy đi lấy liền” - ông Dương kể.
Luôn bám sát đời sống của người dân Anh Trần Thanh Long là CSKV rất năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm và bám rất sát với đời sống của bà con. Nhất là khoảng thời gian giãn cách, nhiều nơi phải phong tỏa, anh chăm lo cho người dân từng chút một. Không chỉ tiếp nhận nguồn hàng từ trên xuống mà còn vận dụng các mối quan hệ để xin hỗ trợ thêm cho bà con. Những lúc bình thường thì cũng ít có dịp tiếp xúc với anh Long nhưng từ đầu mùa dịch đến nay, sự năng nổ, trách nhiệm của anh đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong công tác quản lý địa bàn, phòng chống dịch và hỗ trợ người dân. Gần như trong tất cả nhiệm vụ chống dịch, anh đều tham gia hỗ trợ hết sức, hết lòng. Anh Long là một CSKV rất chịu làm và có tâm huyết. Bà TRẦN THỊ HỒNG, Bí thư Đảng ủy phường An Khánh |