Tại hội thảo "Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng với Ngân hàng Nhà (NHNN) nước tổ chức sáng 15-1, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Theo một nghiên cứu của MasterCard, có tới 85% giao dịch mua bán nhỏ lẻ trên thế giới vẫn được tiến hành bằng tiền mặt.
Một khảo sát của hãng tư vấn G4S cũng cho thấy ở khu vực Châu Âu, vẫn còn tới 60% giao dịch bán lẻ trong năm 2016 được thực hiện với sự hỗ trợ của tiền mặt.
Thanh toán tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng các phương tiện thanh toán điện tử, bao gồm cả thanh toán di động. Trên toàn thế giới, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên 9,6% từ mức 8,1% của năm 2011.
75% trong số 24 nước tham gia khảo sát báo cáo tiền mặt được sử dụng nhiều hơn 50% cho các giao dịch thanh toán bán lẻ. Chỉ có 2 nước cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong thanh toán tiền mặt là Hàn Quốc và Thụy Điển.
Nhiều quốc gia hướng tới một xã hội phi tiền mặt. Ảnh minh hoạ
"Một số nghiên cứu cho thấy tồn tại mối liên hệ chặt chẽ giữa tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử với việc sụt giảm tương ứng trong các hoạt động kinh tế ngầm thường gắn với giao dịch tiền mặt.
Bên cạnh đó, nhờ những lợi thế về tốc độ, bảo mật tăng cường, hiệu quả xử lý và khả năng truy vết, thanh toán điện tử có khả năng tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn vừa mở rộng tài chính toàn diện đến những người dân chưa có tài khoản ngân hàng", ông Kim Anh nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN đánh giá năm 2018 ngành ngân hàng đã đạt được một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực thanh toán. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP, tương ứng mức tăng 25% và 24% so với năm 2017.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH) với nhiều tính năng, tiện ích mới cũng đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện để sớm đi vào vận hành trong năm 2019.
Thanh toán qua internet đạt được kết quả đáng ghi nhận. Ảnh: Nguyễn Châu
Thanh toán qua Internet, qua di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng và đạt tốc độ tăng trưởng rất khả quan. Đến nay, trong số các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một xã hội không dùng tiền mặt không phải lúc nào cũng đem lại yếu tố tích cực. "Thực tiễn diễn ra tại một số nước có mức độ phi tiền mặt cao với thanh toán điện tử phổ biến sâu rộng như Thụy Điển, Hàn Quốc ghi nhận mối lo của công chúng về việc đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu khách hàng, rủi ro an ninh mạng, rủi ro vận hành như mất điện/thiên tai, tình trạng phân cách số (digital divide) giữa nhóm người am hiểu công nghệ với nhóm yếu thế như người già, trẻ em… Đây là điều cần lưu tâm trong quá trình phát triển thanh toán điện tử", ông Kim Anh nhấn mạnh.
Một số ý kiến tại diễn đàn cùng cho hay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001, PCI DSS. Đối với các giao dịch điện tử, để đảm bảo an toàn cũng như thuận tiện cho khách hàng, nhiều ngân hàng đã triển khai các giải pháp xác thực mới như xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số trên mobile; thanh toán sử dụng QR code.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn gặp những trở ngại. Đó là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Còn tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới.
Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ tăng cường ứng dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, hiện đại phục vụ thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội như thanh toán qua QR Code, điện thoại di động, Internet, thẻ phi tiếp xúc...Đặc biệt chú trọng áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn tiên tiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán của nền kinh tế, tiện ích, tiện lợi, dễ sử dụng.