Sáng 12-10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vào 7 giờ sáng, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía đông đông bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm ATNĐ.
Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTKTTVQG
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 07 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do ATNĐ sau mạnh lên thành bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ 111,0 đến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
32 người chết và mất tích
Trong đất liền, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến sáng ngày mai (13-10), ở các tỉnh Trung Trung bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng từ 150-300mm, có nơi trên 350mm; các tỉnh/thành Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng khoảng từ 80-150mm; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng từ 50-100mm. Từ chiều mai (13-10) mưa giảm dần.
Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cập nhật đến 22 giờ ngày 11-10, còn 176 xã, phường/94.277 hộ bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,8m, cá biệt có nơi ngập sâu đến 3m. Dự báo tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng còn kéo dài.
Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Phú Yên có 85 vị trí đê điều xung yếu và 37 công trình đang thi công dở dang cần sẵn sàng phương án ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
Tính đến 22h giờ ngày 11-10, có tổng số 17tàu/106 người bị nạn, trong đó 11 tàu bị chìm, sáu tàu bị sự cố, đã cứu hộ an toàn được 99 người, ba người bị chết, bốn người mất tích. Hiện lực lượng chức năng tiếp tục triển khai tìm kiếm người bị mất tích.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 18 giờ ngày 11-10, đã tổ chức sơ tán 15.392 hộ/45.835 người, tăng 4.749 hộ/13.987 người so với ngày 11-11, trong đó Quảng Bình 266 hộ/871 người, Quảng Trị: 6.774 hộ/19.900 người, Thừa Thiên Huế: 6.709 hộ/19.522 người, Đà Nẵng 882 hộ/2.953 người; Quảng Nam 533 hộ/1.677 người, Quảng Ngãi 228 hộ/912 người.
Số người chết do mưa lũ cũng tiếp tục tăng lên 18 người, trong đó có 15 người do bị lũ cuốn và 3 thuyền viên trên biển. Số người mất tích cũng tăng lên 14 người, trong đó có 10 người do lũ cuốn và 4 thuyền viên trên biển.
Nhiều nơi tại Thừa Thiên Huế ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: NGUYỄN DO
Về nhà ở, đã có 382 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 nhà bị ngập. Về giao thông có 108 điểm Quốc lộ, 8.656m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng. Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49A, 49B (Thừa Thiên Huế); đường hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 15 (Quảng Bình).
Về nông nghiệp: 584ha lúa, 3.879ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.141ha thủy sản bị thiệt hại; 271 con gia súc, 150.489 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về giáo dục có 70 điểm trường bị ngập (Quảng Bình 28, Quảng Trị 01; Đà Nẵng 11, Quảng Nam 30).
Cập nhật riêng về thiệt hại do bão số 6 gây ra tại Quảng Ngãi đã có 8 người bị thương; 72 nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 535ha hoa màu, hành bị thiệt hại; 219 ha cây ăn quả, cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 1.000 cây xanh bị gãy đổ; 36ha tôm bị thiệt hại; 35 điểm giao thông bị ngập, sạt lở ách tắc, nhiều cột điện bị gãy đổ gây mất điện tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức.
Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 4.000 tấn gạo (Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Bình: 3.000); 10.000 thùng mỳ tôm, 02 tấn lương khô (Thừa Thiên Huế); 110 tấn giống ngô, rau các loại (Quảng Bình); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn.