Ủy ban bầu cử TP.HCM vừa ban hành nghị quyết công bố danh sách 94 đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo danh sách trúng cử, TP.HCM có 45 ĐB tái cử (chiếm tỉ lệ 47,87%), một ĐB tự ứng cử (1,06%).
ĐB tự ứng cử và trúng cử là ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM. Điều đặc biệt là ông ba lần tự ứng cử ĐB HĐND TP.HCM khóa VIII, khóa IX, khóa X và đều trúng cử.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, phát biểu tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phải thực hiện những điều đã cam kết trước cử tri
. Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về động lực để ông tự ứng cử ĐB HĐND TP.HCM khóa X, dù năm nay ông đã 64 tuổi?
+ Ông Trần Quang Thắng: Tôi nghĩ là công dân của TP.HCM thì phải có nghĩa vụ đóng góp cho nơi chúng ta sống và làm việc, giao tiếp cộng đồng hằng ngày. Khi đi ngoài đường, tôi thấy bức xúc về vấn đề môi trường, ngập lụt, rác thải, thấy người dân còn khổ sở căng thẳng trong công ăn việc làm; ngày tết thấy còn nhiều người bán vé số phải đi khắp nơi mưu sinh khiến mình chạnh lòng…
Do vậy tôi tiếp tục tự ứng cử ĐB HĐND với mong muốn góp phần đóng góp cho xã hội tốt hơn, con người ứng xử với nhau ngày càng tử tế hơn. Để từ đó mỗi người đều có niềm tin chân thành vào sự phát triển vượt bậc của TP nói riêng và vào đất nước nói chung.
Khi đã trúng cử thì phải làm được những điều đã cam kết trước cử tri, nói một nhưng nếu làm đến hai, ba thì tốt chứ đừng nói những điều không làm được.
. Được biết đây không phải lần đầu tiên ông tự ứng cử và trúng cử?
+ Đúng vậy, hai khóa VIII và XI tôi cũng đã tự ứng cử.
Trước khi tham gia ĐB HĐND TP, tôi nhận thấy cơ chế của ta còn nhiều điều cứng nhắc. Những vấn đề liên quan quy hoạch chưa thực sự hiệu quả hay những vấn đề về cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ; giáo dục cũng chưa đi đúng chỗ, đúng nơi; y tế không được đầu tư đúng mức…
Từng làm việc cho những tập đoàn lớn và từng học tập, công tác ở nước ngoài nên tôi thấy họ rất thông thoáng trong cải cách hành chính, họ hứa thế nào thì làm như thế đó, hay đã ghi giấy hẹn cho người dân mấy giờ, ngày nào là đúng hẹn.
Từ các đóng góp nho nhỏ của mình khi đã là ĐB, theo thời gian, đến nay tôi nhận thấy rằng thể chế của chúng ta đã chú ý nhiều hơn đến sự đóng góp của toàn dân, huy động mọi nguồn lực của đất nước. Do vậy, tôi thấy mình với tư cách là người công dân cần có tiếng nói để góp phần tháo gỡ những vướng mắc đó nên tôi đã tiếp tục tham gia ứng cử.
Kiến nghị và giải quyết tới cùng vấn đề
. Nhiệm kỳ này, ông sẽ đặt tâm huyết của mình vào những vấn đề nào?
+ Tôi nghĩ vấn đề huy động nguồn lực để đầu tư là vấn đề quan trọng nhất. Do nguồn lực của nhà nước ta không đủ, chỉ có thể đóng vai trò là “vốn mồi”. Do đó, cần tạo động lực cho các tập đoàn lớn, công ty nhỏ nhưng có những đóng góp đặc sắc, những khía cạnh đặc thù để họ có điều kiện thật thuận lợi đóng góp cho sự phát triển của TP.
Cụ thể là cần có những cơ chế thông thoáng, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp nhận các nguồn vay vốn từ nước ngoài với lãi suất thấp vì hiện nay Việt Nam đã ký kết và tham gia vào các hiệp định đầu tư quốc tế. Nếu chúng ta có những cơ chế thông thoáng, giải ngân nhanh, hệ thống kiểm soát an ninh tiền tệ hiệu quả thì sẽ tháo gỡ được vấn đề về nguồn lực tài chính.
Còn đối với vấn đề nguồn nhân lực, cần phải chỉnh đốn về hệ thống đào tạo giáo dục. Phải làm sao để giáo dục có chiều sâu, đi vào thực chất và không mang tính hàn lâm, phô trương hay bằng cấp…
. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, ông đã có nhiều đóng góp về các giải pháp giao thông, hạ tầng, chống ngập, vậy nhiệm kỳ này ông có tiếp tục đeo đuổi những vấn đề đó?
+ Khi mình nêu các bức xúc của người dân thì phải gợi ý những giải pháp để cùng chính quyền tháo gỡ. Cái khó là làm thế nào để giải quyết những bức xúc đó trong thời gian ngắn nhất. Bởi khi đã giải một bài toán thì không ai muốn giải lần thứ hai, giống như một vấn đề mà nói hoài không xong sẽ rất không ổn.
Dĩ nhiên có những vấn đề chúng ta kiến nghị nhiều nhưng chưa giải quyết được thì phải tìm hiểu nguyên nhân. Bởi có nhiều dự án do không đủ nguồn lực về vốn, triển khai giải phóng mặt bằng và thỏa thuận với người dân chậm dẫn đến đội vốn…, gây tốn kém và ách tắc cho phát triển chung của TP.
Tuy nhiên, nếu nhiệm kỳ qua chưa làm được thì nhiệm kỳ này phải tiếp tục. Những dự án nào chưa xong vẫn phải nhắc lại và kiến nghị luôn giải pháp mới để giải quyết. Làm sao đi tới nơi tới chốn của vấn đề.
. Xin cám ơn ông.
Tiếp tục góp ý để nâng cao chất lượng chất vấn, giám sát Ông Trần Quang Thắng sinh năm 1957, quê ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ông có trình độ tiến sĩ khoa học ngành hóa, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Từ năm 2003 đến nay, ông giữ chức viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM. Từ năm 2018 đến nay, ông là phó chủ tịch và tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phía Nam. Trong chương trình hành động của mình, ông Trần Quang Thắng cam kết tiếp tục góp ý đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp phía Nam; nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn, công tác giám sát, nội dung các đợt tiếp xúc cử tri, đôn đốc giải quyết kiến nghị, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Ông cũng cam kết sẽ góp ý tích cực và kiến nghị giải pháp cho vấn đề tắc nghẽn giao thông, chuyển đổi số; cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển trường học, bệnh viện và trùng tu, nâng cấp các thiết chế văn hóa, di tích TP.HCM; chuyển đổi công nghệ xử lý rác của các nhà máy; giảm ngập lụt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, thích nghi và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu… |
Tóm tắt quá trình công tác của ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM.