Bà Trương Mỹ Lan tham ô hơn 300 nghìn tỉ đồng vụ Vạn Thịnh Phát

(PLO)- Ở hành vi tham ô tài sản, CQĐT xác định bà Lan đã chiếm đoạt hơn 300 nghìn tỉ đồng và gây thiệt hại gần 130 nghìn tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan và 85 bị can khác. Trong đó bà Lan bị đề nghị truy tố các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ.

tham ô Trương Mỹ Lan.jpg
Bà Trương Mỹ Lan tham ô tài sản, chiếm đoạt hơn 300 nghìn tỉ đồng

Giải mật hồ sơ đặc biệt "HSTT"

Cụ thể, theo Kết luận điều tra, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đóng vai trò hạt nhân, kiểm soát toàn bộ hoạt động các công ty khác nhưng không tham gia trực tiếp kinh doanh.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 doanh nghiệp trong đó Ngân sách SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, có vai trò như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Bà Trương Mỹ Lan chỉ đứng tên nắm giữ gần 5% cổ phần SCB nhưng lại thông qua các cá nhân thân tín và các pháp nhân khác để sở hữu từ 85% đến 91,5% cổ phần SCB.

Với việc nắm giữ số cổ phần chi phối, bà Lan bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB. Mọi hoạt động của ngân hàng này đều cơ bản phục vụ hoạt động của bà Lan.

Là ngân hàng, SCB được phép “nhận tiền gửi” của các cá nhân, tổ chức, quản lý tiền huy động để “cấp tín dụng” cho khách hàng vay vốn trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bà Lan dùng quyền hạn của mình để chỉ đạo các đồng phạm lập hồ sơ vay vốn khống rút tiền đặc biệt lớn phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.

Vì đều là các khoản vay khống, do vậy, khi không trả được nợ, bà Lan cùng các bị can tiếp tục tạo ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại ngày càng lớn.

Các hồ sơ cho vay này thực chất không phải là hồ sơ vay vốn quy định của pháp luật. Thực chất, trong các hồ sơ vay vốn, các pháp nhân, cá nhân đều do nhóm Vạn Thịnh Phát lập ra; phương án vay vốn khống vì tiền giải ngân không thực hiện đúng như phương án mà chỉ để phục vụ cho các mục đích của Trương Mỹ Lan.

Các tài sản đảm bảo đưa vào chỉ là phương thức thủ đoạn, vi phạm trình tự thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo, về giá trị và tính pháp lý, vi phạm các quy định... nhằm hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB.

Theo lời khai của ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát được ký hiệu đặc biệt “HSTT’’, viết tắt của Hội sở tiếp thị trên hệ thống Core Banking của ngân hàng.

Việc ký hiệu đặc biệt là để nhận diện khoản vay của Vạn Thịnh Phát và phục vụ yêu cầu theo dõi, thống kê, phê duyệt trái với quy định cho vay thông thường.

Ngân hàng chịu thiệt hại hơn 400 nghìn tỉ đồng

Kể từ khi Ngân hàng SCB sáp nhập năm 2012 đến ngày khởi tố vụ án, ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.

Trong đó, kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến thời điểm khởi tố, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB. Đến nay các khoản vay này còn dư nợ 545.039 tỉ đồng với dư nợ gốc 415.666 tỉ đồng và dư nợ lãi 129.372 tỉ đồng.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, CQĐT trừ đi giá trị tài sản bảo đảm và xác định hành vi của bà Trương Mỹ Lan phạm vào tội tham ô tài sản, chiếm đoạt 304.096 tỉ đồng.

Ngoài ra, hành vi tham ô tài sản của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền gần 130.000 tỉ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc bị chiếm đoạt nêu trên.

Giúp sức cho bà Lan là nhiều lãnh đạo Ngân hàng SCB, nhóm Vạn Thịnh Phát như ông Đinh Văn Thành, ông Bùi Anh Dũng, cùng là cựu Chủ tịch SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB và ông Tạ Chiêu Trung, cựu TGĐ công ty Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên thành viên HĐQT SCB…

Trên hệ thống sổ sách kế toán, đến ngày khởi tố vụ án Vạn Thịnh Phát, tổng số tiền Ngân hàng SCB huy động là hơn 673 nghìn tỉ đồng. Trong đó, huy động của người dân là hơn 511 nghìn tỉ đồng và phần còn lại vay NHNN, vay các tổ chức tín dụng khác…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm