Chiều 31-5, tại cuộc họp báo thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu chủ trì, vụ bất thường trong bán hồ sơ gói thầu trăm tỉ được trả lời đã xác minh làm rõ, kết luận không có vi phạm pháp luật về đấu thầu.
Ông Tạ Trung Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Bạc Liêu, đề nghị cơ quan trong tỉnh phải phản hồi kịp thời mọi phản ảnh của báo chí liên quan đến cơ quan mình. Ảnh: TRẦN VŨ
Người đại diện trả lời tại cuộc họp báo là ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, nói rõ: "Sau khi bí thư tỉnh ủy chỉ đạo chủ tịch tỉnh làm rõ vụ báo Pháp Luật TP.HCMnêu, Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu được UBND tỉnh chỉ đạo và đã xác minh, làm rõ".
Theo ông Đức, gói thầu số 8 đã được phát hành hồ sơ mời thầu đúng quy định và đã bán được hơn 10 hồ sơ mời thầu. "Việc một doanh nghiệp phản ảnh trên báo Pháp Luật TP.HCM rằng đến mua nhiều ngày nhưng mua không được là có nhưng có lý do. Doanh nghiệp này đến mua hồ sơ mời thầu quá muộn, thông thường là phải mua sớm để có thời gian hoàn tất hồ sơ dự thầu. Nhưng chúng tôi bán gần chục ngày doanh nghiệp này mới đến mua nên hết hồ sơ phải phôtô thêm" - ông nói.
Ông giải thích thêm: Hồ sơ rất dày nên phôtô rất lâu, đến hết giờ thì cán bộ đóng dấu về, hôm sau bán tiếp nhưng doanh nghiệp này không đến mua nữa. Quá trình đó cũng có một sự cố là cán bộ phụ trách bán hồ sơ có con bệnh đột xuất phải đi TP.HCM điều trị nên có gián đoạn một ngày. "Khi PV báo Pháp Luật TP.HCM phản ảnh, tôi chỉ đạo nếu không tranh thủ về bán được thì giao người khác. Và cán bộ này đã về bán tiếp".
Ông Đức cũng thông tin rõ Sở KH&ĐT đã xác minh xong, kết luận không có vi phạm gì nên việc lựa chọn nhà thầu tiếp tục diễn ra bình thường như kế hoạch ban đầu.
Ông Đức cũng lý giải do không biết được doanh nghiệp ấy ở đâu mà liên hệ xác minh, làm rõ. PV cho rằng doanh nghiệp đó đã nhiều lần liên hệ với ông H. bán hồ sơ bằng điện thoại di động, hơn nữa, PV Pháp Luật TP.HCM phản ảnh liên tục vụ việc này cũng không được gọi hỏi tìm doanh nghiệp đã phản ảnh? Ông Đức chưa trả lời câu hỏi này.
Phía đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu có dự là ông Nguyễn Tấn Khương, Chánh văn phòng, thì cho rằng việc kiểm tra là của phía Sở KH&ĐT nên cũng chưa có ý kiến trước những câu hỏi của PV về xác minh có dấu hiệu một chiều.
Ông Đức cho rằng không thể tìm được doanh nghiệp đã không mua được hồ sơ để xác minh hai chiều. Ảnh: TRẦN VŨ
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu Tạ Trung Dũng đề nghị các cơ quan chức năng Bạc Liêu cần tiếp tục hỗ trợ thông tin, trả lời đầy đủ các câu hỏi của PV Pháp Luật TP.HCM. Ông Dũng cũng đề nghị với bất kỳ vấn đề nào báo chí nêu, liên quan đến cơ quan nào thì cơ quan đó chủ động xác minh, làm rõ, xử lý kịp thời, chính xác.
Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh có một doanh nghiệp từ Quảng Ninh vào mua hồ sơ mời thầu gói thầu số 8 có giá trăm tỉ đồng do ban quản lý của ông Đức phụ trách lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã không thể mua được hồ sơ trong sáu ngày chầu trực, bởi cán bộ bán hồ sơ có nhiều lý do vắng mặt tại nơi bán hồ sơ.
Khi còn một ngày cuối cùng để mua kịp làm hồ sơ dự thầu, nhân viên bán mới xuất hiện nhưng nói hết hồ sơ phải phôtô đến hết ngày, cán bộ đóng dấu về nên lại không bán được. Và thấy không còn kịp thời gian để hoàn tất hồ sơ dự thầu, doanh nghiệp này đã bỏ cuộc trong ấm ức.
Ngày 27-12-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu có chỉ thị nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua hồ sơ mời thầu. Tại chỉ thị này, Thủ tướng chỉ rõ: "Bên mời thầu chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng nhà thầu bị cản trở không thể tiếp cận thông tin trong đấu thầu, không mua được hồ sơ mời thầu, với lý do không có cán bộ trực bán, không có đủ hồ sơ mời thầu, cần phải chụp...". Trong vụ phát hành gói thầu số 8 nói trên, một doanh nghiệp đã không thể mua được hồ sơ mời thầu trong nhiều ngày liền. Doanh nghiệp này cho biết sẵn sàng đến Bạc Liêu hỗ trợ cơ quan chức năng nếu nơi đây có nỗ lực thực hiện nghiêm Chỉ thị 47 của Thủ tướng Chính phủ. |