“Hiệu quả lớn nhất mang lại từ mô hình phòng khám đa khoa (PKĐK) vệ tinh của Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM) đặt tại hai trạm y tế phường Bình Chiểu và phường Hiệp Bình Chánh chính là người bệnh không phải đi xa và chẳng tốn công chờ đợi” - BS Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc BV quận Thủ Đức, chia sẻ.
Trạm y tế chất lượng BV
Gần 8 giờ ngày 6-2, bà Nguyễn Thị Dừng (77 tuổi) từ nhà ở phường Bình Chiểu tới Trạm Y tế phường Bình Chiểu để tái khám căn bệnh cao huyết áp, thoái hóa đa khớp và rối loạn chức năng tiền đình. Hai phút sau, bà Dừng đã có mặt tại khoa Ngoại tổng quát và ngồi chờ chưa tới 10 phút.
“Trước đây tôi thường khám ở BV quận Thủ Đức. Do nhà xa nên gà vừa gáy là tôi lật đật kêu đứa cháu lấy xe máy chở đi. Vậy mà tới nơi đã thấy đông nghẹt người, bốc số xong phải chờ tới hơn 9 giờ mới được khám. Đôi khi đợi lấy kết quả thử máu, siêu âm… tới tận trưa. Nhiều lúc về tới nhà thì mặt trời đã đứng bóng, bụng đói meo, tay chân run lẩy bẩy” - bà Dừng nói.
Từ khi BV quận Thủ Đức đặt PKĐK vệ tinh tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu thì bà Dừng không phải đi sớm về trưa nữa. “Từ lúc khám bệnh tới khi cầm bịch thuốc ra khỏi quầy độ chừng 30 phút, khỏe re” - bà Dừng nói vui.
Bà Dừng đang được bác sĩ khám bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC
Cũng tại khoa Nội tổng hợp của PKĐK vệ tinh đặt tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, BS Huỳnh Như Diễm đang khám căn bệnh rối loạn tiêu hóa, sỏi thận cho bà Lê Ngọc Tuyết (54 tuổi, ở phường Hiệp Bình Chánh). Sau khi đo huyết áp, nghe nhịp tim cho bà Tuyết, BS Diễm hỏi han cặn kẽ việc ăn uống, nghỉ ngơi… và cho phiếu xét nghiệm.
Cầm phiếu xét nghiệm, bà Tuyết đi thẳng vào phòng nội soi và không lâu sau đó đã có kết quả. “Trước đây tôi hay khám ở BV quận Thủ Đức, giờ chuyển qua khám tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh vì nhanh hơn rất nhiều. Đâu chỉ vậy, bác sĩ ở trạm y tế đều công tác ở BV quận Thủ Đức nên giỏi chuyên môn lại hết sức ân cần nên tôi rất yên tâm” - bà Tuyết trải lòng.
Thuận lợi hơn cho người bệnh
Nói thêm về hiệu quả PKĐK vệ tinh BV quận Thủ Đức đặt tại hai trạm y tế phường mang lại, BS Nguyễn Lan Anh cho biết việc tận dụng cơ sở sẵn có của trạm y tế để đặt PKĐK vệ tinh là phù hợp.
“Điều này đã chấm dứt lãng phí phòng ốc, máy móc do không được khai thác sử dụng. Hiện tại trung bình một ngày mỗi trạm y tế này khám 70-110 bệnh nhân. Số lượng nói trên đã góp phần ít nhiều giảm tải cho BV quận Thủ Đức” - BS Lan Anh cho biết.
Theo BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Phúc, Trưởng trạm Y tế phường Bình Chiểu, trước đây nói đến trạm y tế phường/xã là mọi người nghĩ nơi chỉ khám những bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi, sơ cứu tai nạn, chích ngừa… Nhiều người cũng chưa thực sự tin tưởng chuyên môn của nhân viên y tế làm việc tại đây.
PKĐK vệ tinh của BV quận Thủ Đức đặt tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu chính thức hoạt động đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Người bệnh đến trạm y tế phường có thể khám và điều trị nhiều bệnh khác nhau, kể cả siêu âm, nội soi, xét nghiệm… mà không phải chờ đợi, tốn công đi lại.
Sẽ mở rộng mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ cuối năm 2016 Sở Y tế TP triển khai thí điểm mô hình PKĐK vệ tinh đầu tiên do BV quận Thủ Đức quản lý, đặt tại hai trạm y tế phường Bình Chiểu và phường Hiệp Bình Chánh. “Sau hai tháng triển khai thí điểm, số bệnh nhân đến các phòng khám này tăng gấp 10 lần so với trước đây. Chưa hết, hơn 200 trường hợp được lọc thận nhân tạo và không xảy ra sai sót chuyên môn. Không ít trường hợp người bệnh có dấu hiệu nặng được phát hiện kịp thời và chuyển lên BV tuyến trên để tiếp tục điều trị. Kết quả bước đầu ghi nhận bệnh nhân đã tin tưởng chất lượng khám và chữa bệnh tại đây” - ông Bỉnh nhận định. Thời gian tới, Sở Y tế TP sẽ tiếp tục triển khai mô hình PKĐK vệ tinh của BV đặt tại các trạm y tế trên địa bàn quận 2, Tân Phú, Thủ Đức và các quận, huyện xa trung tâm. UBND TP.HCM cũng vừa đồng ý cho quận 3 triển khai đề án thí điểm xã hội hóa trạm y tế trên địa bàn từ tháng 4-2017. Theo đó, quận 3 sẽ phối hợp với một đơn vị y tế và ngân hàng để cung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn, vốn nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường bác sĩ giỏi để khám chữa bệnh, kể cả siêu âm, xét nghiệm… Trung tâm điều phối bác sĩ gia đình PKĐK vệ tinh của BV quận/ huyện đặt tại các trạm y tế phường/xã là cần thiết, tạo nhiều thuận lợi cho bệnh nhân. Một khi đã thực hiện chức năng khám chữa bệnh thì trạm y tế phường/xã phải là trung tâm điều phối hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn. Cụ thể, trạm y tế sẽ là nơi đào tạo liên tục về chuyên môn, điều trị cho các phòng khám bác sĩ gia đình, là nơi quản lý nhà nước về hành nghề bác sĩ gia đình. Đối với các trạm y tế ở vùng sâu vùng xa thiếu bác sĩ, trạm y tế sẽ điều động bác sĩ của các phòng khám bác sĩ gia đình đến trực tại trạm để giải quyết những ca bệnh trong đêm. BS NGUYỄN THẾ DŨNG, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM |