Bác sĩ khuyên người dân cần ghi lại nhật ký tiếp xúc

Từ ngày 23-4, TP.HCM và một số địa phương đang từng bước có những giải pháp nới lỏng giãn cách xã hội vì được đưa ra khỏi nhóm có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 sau 21 ngày thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ.

Các chuyên gia dịch tễ học nhận định nới lỏng giãn cách xã hội có thể đi kèm với nguy cơ người mắc COVID-19 gia tăng.

Tuy nhiên, cân nhắc với các lợi ích phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp nới lỏng giãn cách xã hội cũng phải được tiến hành. Do vậy, rất cần sự thận trọng và đồng lòng, đoàn kết của tất cả người dân thì mới mong đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.

kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực điều trị bệnh truyền nhiễm, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1, nhận định có hai kịch bản xảy ra.

Một là nếu chủ quan, lơ là, virus có thể lây lan tùm lum, nhiều bệnh nhân mắc thì hệ thống y tế sẽ quá tải, không đủ thiết bị điều trị và sẽ có ca tử vong. Các nước Nhật và Singapore khi nới lỏng giãn cách xã hội đã và đang gánh hậu quả. Hai là người dân cùng đồng lòng, tuân thủ các biện pháp phòng hộ thì dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.

Người dân đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải thực hiện quy trình kiểm tra thân nhiệt và điền phiếu khai báo y tế. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo BS Khanh, nhìn lại các ca mắc bệnh cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do không tuân thủ phòng hộ tốt khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh.

Đặc biệt, có những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng không biết người đó là ai, như ca bệnh là nhân viên của hãng Điện Máy Xanh ở Đà Nẵng hoặc các ca bệnh do cùng tham dự buổi sinh hoạt tôn giáo chung, cùng ở trong bệnh viện, căn tin. Tiếp theo, những người này lại tiếp tục lây cho gia đình, hàng xóm.

Do đó, BS Khanh cho rằng bên cạnh giải pháp tối ưu nhất là kiên quyết mang khẩu trang thì mỗi người cần biết được địa chỉ, tiền sử, nguy cơ mắc bệnh của những người mình tiếp xúc, ăn uống cùng để ghi lại cụ thể lịch trình tiếp xúc mỗi ngày.

Từ đó giúp cho cơ quan y tế dễ dàng xác định được những đối tượng F1, F2 khi chẳng may bản thân là F0, F1.

“Bản thân mỗi người phải biết mình đi đâu về đâu, nếu có tình huống thì sẽ khai báo nhanh hơn, chính xác hơn. Lịch trình đi về từ nhà đến công ty mỗi ngày thì không cần ghi lại vì dễ nhớ. Tuy nhiên, các lịch trình bất thường khác hằng ngày ngoài công việc như đi tới quán ăn, ăn cùng ai đó, gặp gỡ người nào đó… phải nên được mỗi người ghi lại hết.

Mỗi người cần ghi lại lịch trình của mình như vậy để khi xảy ra tình huống phát hiện F0 thì nhớ lại chính xác. Tránh phải khai báo sai, truy lòng vòng sẽ rất tốn công, tăng thêm công việc cho người đi điều tra.

Nếu tất cả chúng ta cùng làm cho tốt thì lỡ có người mắc bệnh cũng sẽ bao vây, chặn dịch được kịp thời” - BS Khanh phân tích.

Ngoài ra, theo BS Khanh, trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, mỗi người nên ý thức hạn chế đến nơi đông người bởi rất dễ mắc bệnh, chờ ổn định tình hình dịch bệnh trong nước và xung quanh rồi đi cũng không muộn.

BS Khanh khuyên mỗi người khi đi tới quán ăn phải giữ khoảng cách, ngồi ngoài trời cho thoáng.

Khi ăn uống thì bắt buộc phải tháo khẩu trang ra nên phải xác định được người mình ăn cùng ở đâu, có tiền sử, nguy cơ mắc bệnh không. Nếu không rõ tiền sử thì không nên ngồi ăn chung.

Không nên có tâm lý cứ thoải mái đi

Khi nới lỏng giãn cách, ở các công ty, công trường vẫn phải tiếp tục khai báo y tế. Mỗi người đều phải cùng làm, càng nới lỏng càng phải quyết liệt, không cho ca bệnh F0 thành F1 mà mình không biết.

Chúng ta không nên có tâm lý hãy thoải mái đi vì có gì hệ thống y tế, cơ quan điều tra dịch tễ lo, mà mỗi người phải ý thức được trách nhiệm của mình. Các bệnh viện khoan nới lỏng người thăm khám, ra vào bệnh viện.

Càng phát hiện các ca bệnh chậm thì khả năng phát tán của virus sẽ ngày càng xa. Lúc này mọi người phải đoàn kết, đồng lòng, không có cách nào khác.

Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm