Bác sĩ mệt phờ râu với bệnh nhân ‘lạ’

Tối 29-4, một nam bệnh nhân người nước ngoài cao to, hơn 30 tuổi, nằm trên băng ca được hai điều dưỡng đẩy nhanh vô khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM.

Từ thu dọn thức ăn ói mửa…

Băng ca đẩy tới đâu là mọi người phải dạt xa và lấy tay bịt mũi vì không chịu nổi mùi bốc lên từ đống thức ăn do bệnh nhân ói mửa. Nữ điều dưỡng lấy khăn ướt lau sạch thức ăn dính trên tóc ông này, trong khi nam điều dưỡng phải lụi hụi túm gọn đống này để không rớt xuống sàn. Xong xuôi, hai điều dưỡng chuyển bệnh nhân qua băng ca khác. Do ông này to con, nặng ký nên hai điều dưỡng vừa nâng vừa đẩy vừa thở hổn hển.

Bệnh nhân bị chấn thương đầu, không có người thân đi cùng, được chuyển đến từ BV quận 7 (TP.HCM). Giấy chuyển viện ghi bệnh nhân bị chấn thương đầu nên BS Trần Hùng Tấn, trưởng ca trực cấp cứu, nhanh chóng cho chụp CT. Hai điều dưỡng tiếp tục đẩy bệnh nhân vô phòng chụp rồi hì hục đẩy ông ra ngoài.

Kết quả chụp CT ghi nhận bệnh nhân bị tụ máu trong đầu. BS Tấn tiếp tục cho làm xét nghiệm rượu. Điều dưỡng chuẩn bị lấy máu ở cánh tay trái thì ông này bất ngờ tỉnh lại, huơ tay lia lịa, xí xô xí xào một tràng.

Do bệnh nhân không có người thân đi theo, giấy tờ và tiền bạc phía BV quận 7 tạm giữ nên bác sĩ trực cấp cứu làm giấy “nợ viện phí”. Độ nửa tiếng sau thì người nhà bệnh nhân có mặt. Người này cho biết bệnh nhân là người Trung Quốc, mới vào Việt Nam làm việc. Do quá chén với bạn bè nên bị tai nạn trên đường về nhà.

Điều dưỡng đang lấy máu để thử nồng độ rượu trong người bệnh nhân Trung Quốc. Ảnh: TRẦN NGỌC

… Đến bị mắng mỏ và gánh viện phí

BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM, kể mới đây một du khách người Nga khoảng 30 tuổi được đưa vào khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy trong tình trạng đứt lìa đùi trái. Bệnh nhân cho biết xe lửa vừa chuyển bánh thì ông nhảy lên, do hụt chân nên ngã và bị xe lửa cán đứt chân trái.

Sau khi cấp cứu, BV chuyển lên phòng dịch vụ để chăm sóc dù nạn nhân không có passport, cũng chẳng mang theo tiền. Do không có thân nhân nên mọi sinh hoạt của ông này đều do nhân viên y tế đảm nhận. “Mặc dù được chăm lo chu đáo nhưng ông này luôn quát tháo, mắng bác sĩ, điều dưỡng. Chưa hết, bệnh nhân có biểu hiện nghiện thuốc nên hay nổi đóa, hăm dọa đủ điều. Tổng chi phí điều trị cho du khách nói trên độ 60 triệu đồng. Do có 40 triệu đồng tiền bảo hiểm du lịch nên bệnh nhân này chỉ phải trả thêm 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ông ta không trả khoản còn lại với lý do không có tiền. Cuối cùng BV phải gánh số tiền 20 triệu đồng này” - BS Việt cho biết.

Cũng gần đây tại BV Chợ Rẫy, một bệnh nhân người Đài Loan 63 tuổi bị tai biến đã tìm đến BV Chợ Rẫy mà không có người thân. “Bệnh nhân cho biết qua Việt Nam làm ăn và sinh sống đã lâu, hiện tạm trú ở quận 7 (TP.HCM). Vợ chồng ông đã ly hôn, mạnh ai nấy sống. Ông có hai con nhưng hiện sinh sống ở Đài Loan” - BS Việt nói.

Do được bác sĩ, điều dưỡng BV chăm sóc tận tình, chu đáo nên sức khỏe bệnh nhân mau ổn định, có thể ra viện. Ngặt nỗi bệnh nhân bị tai biến dễ gặp biến chứng nên cần có người chăm sóc khi xuất viện. Thế nhưng ông này chẳng có người thân, BV lại không thể bỏ mặc nên tiếp tục giữ bệnh nhân này để chăm sóc. Hiện số tiền điều trị cho ông ta vượt xa khoản tiền tạm ứng. Cuối cùng, BV phải cầu cứu Lãnh sự quán Đài Loan để liên lạc với hai người con của bệnh nhân. Tuy nhiên, đến nay hai người con của ông này vẫn bặt vô âm tín.

“Không ít bệnh nhân người châu Á, Âu khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Càng nhiều trường hợp nói trên thì gánh nặng viện phí càng đè lên vai BV” - BS Việt cho biết thêm.

Đau đầu với bệnh nhân nước ngoài tử vong

“Quen mức sống khá cao và được hưởng thụ các dịch vụ trong nước quá tốt nên khi vào điều trị tại BV Chợ Rẫy, đa phần bệnh nhân nước ngoài tỏ thái độ không thỏa mãn do BV luôn trong tình trạng quá tải. Điều này dẫn đến thực trạng bệnh nhân nước ngoài luôn gay gắt với bác sĩ, điều dưỡng. Cho dù họ được nhân viên y tế chăm sóc hết sức tận tình” - BS Việt nói.

Theo BS Việt, mỗi năm BV Chợ Rẫy điều trị 60-70 bệnh nhân nước ngoài. Trong đó hơn 10 trường hợp không thanh toán viện phí. Không ít bệnh nhân nước ngoài không tiền, chẳng giấy tờ tùy thân, không passport nên BV chẳng thể xác định tên, tuổi… nên họ rất dễ trốn viện.

Chẳng những oải với bệnh nhân nước ngoài điều trị nội trú, BV Chợ Rẫy còn gặp nhiều phiền toái khi bệnh nhân nước ngoài tử vong. “Nếu có người nhận xác thì BV buộc người này phải liên hệ trước với đại sứ quán. Khi nào đại sứ quán có công hàm đồng ý cho người này nhận xác bệnh nhân tử vong thì BV mới giao” - BS Việt nói.

______________________________

Bệnh nhân cấp cứu cho dù người Việt hay người nước ngoài đều được BV đối xử như nhau. Nếu bệnh nhân không có người thân đi cùng thì BV sẽ lo tất cả thủ tục cấp cứu, nhập viện. Những chuyện còn lại sẽ được giải quyết sau.

BS TRẦN VĂN SÓNG, Trưởng khoa Cấp cứu
BV Nhân dân 115 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm