Bác sĩ tuyến đầu sáng chế một bình oxy cho nhiều bệnh nhân dùng cùng lúc

Chiều 10-8, TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng- Điều trị bệnh nghề nghiệp kiêm Giám đốc BV Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 6 (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết BS của BV này sáng chế thành công hệ thống cung cấp oxy cùng lúc cho nhiều bệnh nhân COVID-19.

“Vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn, các BS tuyến đầu chống dịch COVID-19 luôn tìm tòi và sáng tạo những phương pháp tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân” – TS- BS Hoàng chia sẻ.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 sử dụng chung một bình oxy. Ảnh: BVCC

“Cha đẻ” của hệ thống cung cấp oxy cùng lúc cho nhiều bệnh nhân COVID-19 chính là BS Phan Trung Hiếu. BS Hiếu đang công tác tại BV Chợ Rẫy, được tăng cường cho BV Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 6 ngay từ ngày đầu thành lập.

Theo BS Hiếu, thông thường mỗi bình oxy được sử dụng cho 1 bệnh nhân. Mỗi bình oxy được gắn 1 đồng hồ có chức năng kiểm tra áp suất khí oxy trong bình và điều chỉnh lượng oxy bệnh nhân cần sử dụng.

“Đồng hồ oxy hiện đang thiếu. Bên cạnh đó, bệnh nhân COVID-19 ở chung phòng khá đông. Mỗi người sử dụng 1 bình oxy sẽ chiếm phần lớn diện tích trong phòng. Chưa hết, mỗi bệnh nhân sử dụng 1 bình oxy cần nhiều người chuyển bình oxy trong khi nguồn nhân lực đang thiếu. Do vậy, chúng tôi suy nghĩ và sáng chế 1 bình oxy sử dụng cùng lúc cho 6-10 bệnh nhân COVID-19” – BS Hiếu nói.

Trong quá trình nghiên cứu, BS Hiếu nhận thấy các cửa hàng kinh doanh cá cảnh thường sử dụng 1 đồng hồ oxy cho mỗi bình oxy. Tuy nhiên, đồng hồ oxy được nối 5-10 dây để dẫn oxy tới từng hồ chứa cá.

“Tôi liền tìm mua đồng hồ oxy có nhiều dây dẫn với giá mỗi cái 50.000 đồng rồi đưa vào thử nghiệm cho các bệnh nhân COVID-19. Mặc dù đây là phương pháp dã chiến nhưng đã thành công. Chưa hết, dây dẫn oxy từ bình tới mỗi bệnh nhân đều có khóa riêng, rất tiện khi bệnh nhân ăn cơm hoặc giải quyết nhu cầu cá nhân” – BS Hiếu vui mừng cho biết.

“Vậy là BV Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 6 đã giải quyết được bài toán thiếu đồng hồ oxy, thiếu nhân lực chuyển bình oxy, diện tích trong phòng bị chiếm chỗ. Chưa hết, lúc đầu không ít bệnh nhân sợ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên khi được giải thích và qua thời gian sử dụng, tất cả đều an tâm” – BS Hiếu cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm