Bệnh viện (BV) đa khoa Năm Căn tại huyện Năm Căn, Cà Mau gần đây tồn tại một chuyện lạ. Cứ bác sĩ (BS) nào làm đơn xin nghỉ việc là sau đó hầu hết sẽ phải nhận một quyết định xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc. Trong khi các BS đọc Luật Viên chức thấy rằng mình có quyền được giải quyết cho thôi việc theo nguyện vọng cá nhân.
Nữ bác sĩ trưởng khoa lên tiếng
BS Trần Tú Ngân nguyên là trưởng Khoa y học cổ truyền BV đa khoa Năm Căn. Ngày 14-4-2021, BS Ngân viết đơn xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình, sau 24 năm làm việc tại BV này.
“Tôi đã thấy nhiều trường hợp trước đó tại BV mình, cứ xin nghỉ việc là phải nhận quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Bị đuổi việc rõ là rất xấu hổ nên tôi rất cẩn thận. Tôi hỏi các luật sư và thực hiện theo cách của họ để được nghỉ việc mà không phải bị đuổi việc nhưng tôi cũng không thể thoát khỏi cái tiền lệ ấy” - BS Ngân tâm sự.
Bảo vệ BV đa khoa Năm Căn không cho PV vào văn phòng để đăng ký làm việc với lý do khi nào có lãnh đạo lên tiếng mới cho vào. Ảnh: TRẦN VŨ
Theo hồ sơ, Ban giám đốc BV nhận được đơn xin nghỉ việc của BS Ngân vào ngày 15-4-2021. Ngày 20-4-2021, Ban giám đốc BV đa khoa Năm Căn có văn bản trả lời BS Ngân là chưa giải quyết cho nghỉ vì đang thiếu nhân lực, khi nào có nhân lực thay thế sẽ giải quyết.
20 ngày sau, tức ngày 10-5-2021, BS Ngân làm đơn xin nghỉ việc lần thứ hai, với nội dung nếu không cho thì sẽ đơn phương nghỉ việc theo luật định.
Ngày 19-5-2021, Ban giám đốc BV đa khoa Năm Căn lại có văn bản phúc đáp với nội dung như lần trước.
Đến ngày 1-8-2021, tức sau hơn ba tháng kể từ khi gửi đơn xin nghỉ việc lần đầu, BS Ngân không đến cơ quan làm việc nữa. Ngày 12-8-2021, giám đốc BV đa khoa Năm Căn ra quyết định kỷ luật với hình thức buộc thôi việc đối với BS Ngân vì lý do tự ý bỏ việc, vi phạm khoản 2 Điều 19 Nghị định 112/2020.
“Thời điểm tôi xin nghỉ việc, tôi không nợ nần tiền bạc, vật chất gì BV. Lý do duy nhất Ban giám đốc nói là chưa có người thay thế. Nhưng khi tôi nghỉ thì có người thay thế ngay sau vài ngày, đó là BS Trang. Cho nên rõ ràng là Ban giám đốc cố tình không bố trí người thay thế để tôi nghỉ mà kỷ luật đuổi việc tôi. Việc này cũng xảy ra với rất nhiều BS tại BV Năm Căn thời gian qua” - BS Ngân nói.
Qua xác minh, chúng tôi ghi nhận trước BS Ngân, trong vòng ba năm qua, có ít nhất sáu BS cũng xin nghỉ việc sau đó đều bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc. Nguyên nhân đều giống nhau, Ban giám đốc chưa cho nghỉ vì chưa có người thay thế. BS chờ không được nên đơn phương nghỉ việc và đã thông báo trước như luật định.
Một BS đã rời BV bằng quyết định kỷ luật buộc thôi việc hồi năm 2020 kể: “Tôi chờ 45 ngày như quy định của Luật Viên chức mới nghỉ, sau đó cũng nhận quyết định kỷ luật buộc thôi việc khi ra đi. Rất nặng nề! Trước tôi có BS HP còn đau hơn. Người này chờ bố trí người thay thế hơn sáu tháng trời vẫn không được, cuối cùng đành cầm quyết định kỷ luật buộc thôi việc khi rời BV Năm Căn”.
BS Trần Tú Ngân, nguyên là trưởng Khoa y học cổ truyền BV đa khoa Năm Căn, xin nghỉ việc nhưng cuối cùng nhận "án" kỷ luật buộc thôi việc. Ảnh: TRẦN VŨ
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo thanh tra làm rõ
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với ông Trần Minh Thiệt, Giám đốc BV đa khoa Năm Căn, để làm rõ tình trạng BS Ngân cũng như nhiều BS ở đây phản ánh là cứ xin nghỉ việc thì bị kỷ luật buộc thôi việc. Tuy nhiên, từ ngày 25-10-2021 đến nay, ông Trần Minh Thiệt cứ báo bận, chưa tiếp được.
Ông cũng không cho cái hẹn nào cụ thể dù chúng tôi chỉ đề nghị ông cho lịch hẹn. Ngày 29-10-2021, chúng tôi trực tiếp đến BV đa khoa huyện Năm Căn để đăng ký nhưng bảo vệ quyết liệt không cho vào BV. Chúng tôi gọi điện thoại cho ông Thiệt nhiều lần, ông cũng bảo là đã đi vắng, không chấp nhận cho vào để đăng ký làm việc chính thức.
Tuy nhiên, ông cũng không từ chối thẳng là không cung cấp thông tin cho chúng tôi mà chỉ bảo khi nào có thời gian mới tiếp.
Ngày 30-10-2021, trao đổi qua điện thoại với PV, BS Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho hay ông đã nắm thông tin vụ đuổi việc BS Ngân ở BV đa khoa Năm Căn. “Tôi đã chỉ đạo thanh tra làm rõ vấn đề phản ánh của BS Ngân” - ông Dũng nói.
Trao đổi về tình hình chung, ông Dũng cho biết tình hình nhân sự BV công tại tỉnh Cà Mau hiện nay đảm bảo, “vắng mợ chợ vẫn đông”. Với BS đông y như BS Ngân hiện tỉnh có nhiều, không có tình trạng vì BS xin nghỉ mà ngành y của tỉnh Cà Mau thiếu nhân lực, ảnh hưởng đến công việc khám chữa bệnh cho nhân dân.
Tình trạng BS xin nghỉ việc đều bị đuổi việc, theo ông Dũng là hình như chỉ xảy ra ở BV Năm Căn. Các BV khác trong tỉnh đều giải quyết cho nghỉ mà không kỷ luật như vậy.
“Nói chung Thanh tra sở sẽ làm rõ tình trạng đuổi việc BS ở BV đa khoa Năm Căn. Tỉnh Cà Mau còn huyện Ngọc Hiển và Năm Căn là có chút khó về nhân lực y BS nhưng không đến mức thiếu hụt không giải quyết được” - ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, nói.
Vấn đề vận dụng quy định pháp luật Trong vụ kỷ luật các BS ở BV đa khoa Năm Căn, phía BV đưa ra lý do theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 57 Nghị định 115/2020 là “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế” để chưa đồng ý cho viên chức thôi việc. Như vậy, viên chức chỉ còn nước là phải tiếp tục làm việc và chờ đợi đến khi nào yêu cầu công tác đã được đảm bảo và bố trí được người thay thế thì mới được giải quyết thôi việc. Luật cho phép viên chức nghỉ việc đơn phương với lý do chính đáng nhưng Nghị định 115/2020 thì quy định “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế”. Lúc này, viên chức hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị mình công tác trong tình huống này, bởi nếu đơn vị quản lý viên chức không muốn giải quyết hoặc có định kiến với viên chức thì chỉ cần đưa ra lý do nói trên là có thể trì hoãn vô thời hạn nguyện vọng xin nghỉ việc của viên chức. Hiện nay, chưa có quy định nào hướng dẫn cụ thể như thế nào là “do yêu cầu công tác” và nếu chưa bố trí được người thay thế thì thời hạn tối đa trong vòng bao nhiêu lâu BV phải bố trí được người thay thế. Có thể nói, khi thiết kế quy định trên, dường như cơ quan chức năng đã chưa lường hết các tình huống phát sinh. Do vậy, khi áp dụng vào thực tiễn, có thể người thực hiện vận dụng không chuẩn, dẫn đến ảnh hưởng đến nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của viên chức. |