Trước đó, trong đơn khởi kiện, bà D. trình bày: Ngày 24-6-2017, ông D. xịt thuốc sâu đục thân trên phần đất ruộng của ông, sau đó bơm nước trong ruộng ra sông. Đàn vịt bà nuôi hớp phải bọt nước thuốc mà ông D. mới xịt nên hai ngày sau chết lác đác khoảng 3-5 con, tiếp đó lần lượt chết tổng cộng 98 con. Một cán bộ Trạm Chăn nuôi và thú y huyện sau khi thăm khám vịt của bà nói vịt của bà bị ngộ độc và kêu bà mua thuốc giải độc. Bà mua thuốc theo toa người này đưa hết 600.000 đồng thì vịt của bà khỏe lại. Sau đó bà ra ruộng của ông D. tìm chai thuốc ông D. xịt và trình báo công an huyện.
Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện đã xuống xem bầy vịt của bà D. và kết luận vịt chết là do bị bệnh viêm gan và ngộ độc phèn. Bà D. không đồng ý, cho rằng vịt của bà chết là do trúng thuốc trừ sâu ông D. xịt nên khởi kiện yêu cầu ông D. bồi thường hơn 10 triệu đồng.
Trong khi đó, ông D. khai từ vị trí ông xả nước ruộng ra kênh đến vị trí bà D. nuôi vịt là 25 m, hướng nước chảy của kênh là chảy lên chứ không chảy ngược lại vị trí bà D. nuôi vịt nên việc vịt bà D. chết không phải do lỗi của ông xịt thuốc lúa gây ra. Đến ngày 4-7-2017, bà D. mới báo là ông xịt thuốc lúa làm cho vịt của bà bị ngộ độc chết và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ông không đồng ý do không gây thiệt hại cho bà D. và theo kết luận giám định của cơ quan chuyên môn thì vịt của bà D. chết do bị bệnh.
Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm (TAND huyện Phước Long và TAND tỉnh Bạc Liêu) đều chung nhận định: Ngoài lời trình bày về nguyên nhân vịt chết thì bà D. không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của bà. Trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện khai: Qua quan sát biểu hiện của vịt thì ông xác định nguyên nhân vịt bà D. chết là do ngộ độc phèn, bệnh viêm gan, việc xác định trên dựa vào triệu chứng và biểu hiện của vịt chết là vịt kêu khan (kháp kháp), bại hai chân. Từ đó, cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà D.