Suốt thời gian qua, tại các tuyến đường lớn ở trung tâm TP.HCM vẫn nhan nhản các quảng cáo, tờ rơi được dán khắp nơi trên trụ điện, trụ đèn, tường trống, cửa nhà, thùng rác… Dù các cơ quan chức năng cũng như một số địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý thế nhưng vẫn không ăn thua.
Bạn đọc cho rằng cần phải thay đổi, bổ sung các biện pháp khác nhằm trị dứt điểm vấn nạn này để trả lại vẻ mỹ quan đô thị cho thành phố.
Dưới đây là góp ý của bạn đọc:
Xử lý cả gốc lẫn ngọn
Một số bạn đọc cho rằng việc dán quảng cáo, tờ rơi ở nơi công cộng không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra rất nhiều hệ luỵ như nội dung trên quảng cáo, tờ rơi liên quan đến vấn đề cho vay nặng lãi, lừa đảo…. Vậy nên, phải cần được xoá bỏ và mạnh tay xử lý người vi phạm.
- “Câu chuyện này đã xảy ra và kéo dài, tôi không tin chúng ta phải bó tay. Theo tôi những người đi dán chủ yếu là họ được thuê, nếu bắt và xử phạt họ thì chẳng giải quyết được gì. Muốn triệt xóa phải xử lý cả gốc lẫn ngọn, tìm ra tổ chức cũng như người đứng sau xử lý một lần như vậy may ra sẽ có hiệu quả” - bạn đọc Lưu Tuấn Cường.
- “Trên tờ rơi, quảng cáo xuất hiện số điện thoại nào thì kiểm tra ngay số đó mời lên làm việc, hiện giờ số điện thoại cũng đã chính chủ hết rồi. Nếu là quảng cáo, mua bán, cho thuê nhà thông thường thì xử phạt theo quy định pháp luật. Còn số nào ghi rõ là cho vay hay có dấu hiệu lừa đảo thì cắt, khoá ngay số điện thoại đó và xử phạt thật nặng… Mặt khác, nhà mạng cũng cần phối hợp trong chuyện này, không để sim rác tồn tại. Nếu không tìm được chủ thuê bao dán trên quảng cáo, tờ rơi để xử lý thì quy trách nhiệm về nhà mạng và phạt nặng nhà mạng”- bạn đọc Bùi Thị Xuân.
- “Việc một số nơi xử lý không kiên quyết đối hành vi dán quảng cáo là gốc rễ của vấn đề. Song, quy định mức xử phạt đối với hành vi dán quảng cáo, tờ rơi còn quá nhẹ (chỉ khoảng 2 triệu đồng), chúng ta nên mạnh tay hơn trong việc xử phạt các tổ chức cá nhân này. Ví dụ tăng mức phạt hành chính, buộc lao động công ích trong một thời gian nhất định hay thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù để răn đe” - bạn đọc Anhthu…@gmail.com.
Nên nhân rộng những cách làm hiệu quả
Một số bạn đọc khác lại cho rằng bên cạnh việc xử lý thì bản thân người dân cũng cần được tuyên truyền rõ ràng từ đó nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ chính nơi mình sinh sống. Đồng thời, có các giải pháp thiết thực để ngăn chặn.
- "Cán bộ công an phối hợp UBND phường, xã tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Cùng chung tay bảo vệ khu phố, nếu phát hiện hành vi vi phạm thì tố cáo ngay đến cơ quan nơi mình sinh sống. Tôi thấy một số nơi áp dụng vẽ tranh để ngăn chặn vấn nạn dán bậy này cũng rất hay, chúng ta có thể tham khảo và làm theo. Bên cạnh đó, lắp đặt camera và thường xuyên kiểm tra camera để tìm ra đối tượng vi phạm” - bạn đọc Thanh Bình.
- “Tốt nhất là tuyên truyền những nơi photocopy không được tiếp tay cho hành động sai trái. Nếu thấy các đối tượng đến in ấn tờ rơi, quảng cáo thì tìm cách từ chối, sau đó báo ngay cho cơ quan chức năng. Như vậy thì bảo đảm là giải quyết được thôi, cứ loay hoay như lâu nay thì biết đến bao giờ mới xử lý triệt để” - bạn đọc Huynh Hien.
- "Mô hình tuyến hẻm nói không với quảng cáo gần nhà tôi (quận 12) rất hiệu quả và được nhiều người dân ủng hộ. Người dân trong hẻm cùng nhau góp kinh phí cải tạo lại đường xá, tường trống, trụ điện… sau đó tự quản lý tuyến hẻm, nếu thấy ai dán quảng cáo sẽ ngăn hành vi đó ngay. Đồng thời, cũng gắn camera quan sát nên các đối tượng dán quảng cáo cũng không dám… Chúng ta có thể tham khảo mô hình và nhân rộng, đó là một giải pháp hay” - bạn đọc Kim Thanh.