Bạn đọc tranh luận về việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn

(PLO)- Nếu chỉ sử dụng nước uống trái cây lên men, đồ ăn chế biến từ cồn,... phải chăng cũng bị xem là vi phạm nồng độ cồn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, tại Điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm cấm người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc, gây ra làn sóng tranh cãi. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo vì cho rằng điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi sử dụng bia, rượu rất nguy hiểm. Đồng thời, sau khi kiểm tra, xử phạt gắt gao đã chứng minh được tính hiệu quả, giảm thiểu số tai nạn giao thông liên quan đến cồn.

Ngược lại, một số bạn đọc khác đề nghị quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp, không nên cấm tuyệt đối vì không hợp lý bởi máy đo có thể sai số, thức ăn chế biến từ cồn,... cũng có thể bị phạt oan.

Mời bạn đọc xem thêm:

Bàn tiếp về vấn đề này, PLO giới thiệu bài viết của bạn đọc Đăng Khoa (Đồng Nai):

Tôi từng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến người điều khiển phương tiện mất kiểm soát do bia rượu. Vợ mất chồng, con mất bố, mẹ mất con,... ôi xót xa vô cùng. Vì vậy, tôi đồng ý rằng nếu sử dụng thức uống có cồn thì không được tham gia giao thông. Nhưng nếu quy về bằng 0 thì chưa phù hợp và quá khắt khe.

Theo tôi tìm hiểu, trước đó, một số nước như Indonesia, Jordan, Nigeria, Pakistan,... quy định cấm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tuy nhiên đa phần là các nước theo đạo Hồi giáo – nơi nghiêm cấm đồ uống có cồn. Vậy nếu xét về truyền thống, văn hóa, ẩm thực... thì Việt Nam cấm tuyệt đối nồng độ cồn có phù hợp không?

Ngoài ra, trong một vài tình huống, yêu cầu nồng độ cồn bằng 0 là vô lý. Tôi từng đi uống bia cùng đồng nghiệp vào đêm hôm trước nhưng sáng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở khi bị công an kiểm tra. Tôi chắc chắn rằng bản thân đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu nói tôi say xỉn, mất kiểm soát vào thời điểm đó thì không thuyết phục chút nào. Tôi cảm thấy mình bị oan, rất ức chế, từ đó mỗi lần ra đường tôi lại thấy áp lực, lo lắng vì có thể bị phạt bất cứ lúc nào, kể cả lúc không uống rượu bia.

Bạn bè tôi cũng gặp phải trường hợp tương tự khi không sử dụng rượu bia nhưng máy đo vẫn báo có. Người điều khiển phương tiện đã phải giải thích rất nhiều để minh oan cho mình. Không ngoại trừ trường hợp uống nước trái cây lên men, đồ ăn chế biến từ cồn,... cũng khiến hơi thở có cồn. Ôi vậy thì lại càng vô lý, quá oan ức, không lẽ như vậy cũng bị phạt?

Chưa kể đến khả năng sai số của thiết bị đo, không có căn cứ nào để chắc chắn rằng máy đo nồng độ cồn không có khả năng sai số, đây là điều quan trọng.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn là vô lý.jpg
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn là quy định vô lý, chưa phù hợp. Ảnh: PHƯƠNG THUẬN.

Như ở Mỹ, điều khiển xe khi nồng độ cồn trong máu trên 80mg/ml là vi phạm pháp luật. Ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland, nồng độ cồn được giới hạn đối với người lái xe là: 0,35 mg/lít khí thở, 80 mg/100 ml máu và 107 mg rượu/ 100 ml nước tiểu... Thiết nghĩ, nên cho phép một tỉ lệ giới hạn nồng độ cồn nhất định để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông nhưng phải tính toán, điều chỉnh để phù hợp với thể trạng người Việt Nam, vì 0 là bất khả thi.

Quy định cần kết hợp giữa quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội, nếu cấm tuyệt đối như vậy thì rất ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến rượu bia, kinh doanh vỉa hè, quán nhậu,... Tôi vẫn nhớ Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói là: “Làm luật là để phục vụ người dân, chứ không phải để quản dân”, vậy trong trường hợp này đã hợp tình, hợp lý chưa?

Tóm lại, chuyện không lái xe khi uống bia rượu quan trọng nhất vẫn là ý thức, như đeo nón bảo hiểm, đi đúng làn đường quy định,... có thể quản lý nghiêm ngặt ngày 1, ngày 2 nhưng không thể làm mãi. Vấn đề quan trọng là nâng cao ý thức người dân để hiểu về nguy hiểm, rủi ro khi tham gia giao thông.

Thẩm tra Điều 8 dự thảo quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An Ninh đề nghị cân nhắc vì quy định này quá nghiêm khắc và chưa phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của một số người dân Việt Nam, đồng thời làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm