Quy định “Cấm người có nồng độ cồn lái xe”: Có quá khắt khe?

(PLO)- Nhiều bạn đọc cho rằng cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn là quy định chưa hợp lý và cứng nhắc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Đề xuất không cấm tuyệt đối người lái xe có nồng độ cồn” nói về thông tin một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An Ninh đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Cụ thể, Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” thuộc hành vi bị nghiêm cấm.

Nhiều bạn đọc cho rằng nên cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu bia để giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên một số không đồng tình vì quy định quá khắt khe, cứng nhắc, chưa phù hợp.

Đã rượu bia là không lái xe

Nói về vấn đề này, bạn đọc Lan Hương viết: “Tôi rất hay đi nhậu nhưng ủng hộ quyết định này, lỡ đâu gây ra tai nạn oan cho những người khác. Đi ăn 5-700 ngàn đồng không tiếc, tại sao lại tiếc cuốc xe ôm công nghệ 5-70 ngàn đồng. Cứ bia rượu vào thì Grab, Be,… mà về thôi, có người 1 lon không say nhưng có người 1 lon có thể gây tai nạn chết người, an toàn là trên hết”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Khánh Chi chia sẻ: “Rất nhiều người uống bia, rượu vô tư điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trước các quán nhậu đậu rất nhiều xe máy, xe ô tô để tự về. Đã vào cuộc vui thì hiếm ai cầm chừng được, đã là chất kích thích thì cấm tuyệt đối, xác định nhậu thì đi xe taxi, xe công nghệ. Bao nhiêu cảnh người vô tội chết hoặc thương tật, gia đình tan nát do rượu bia. Nếu ai từng là nạn nhân hay nhân chứng sẽ hoàn toàn ủng hộ. Con người là tài sản quan trọng nhất”.

Tương tự, bạn đọc Phương Ngân cũng ủng hộ: “Đã lái xe thì không được đụng tới rượu bia dù chỉ một giọt. Hãy xem lại thống kê của những vụ tai nạn gần đây do sử dụng rượu bia đã giảm, ý thức của người dân cũng được nâng cao. Luật pháp nghiêm minh thì tạo ra xã hội văn minh, có gì mà nghiêm khắc? Ủng hộ giữ nguyên luật và tăng mức phạt nặng hơn nữa để răn đe người dân. Từ lúc có luật tôi đã từ chối nhiều cuộc nhậu, cơ thể khỏe mạnh hơn nhiều”.

Quy định Cấm người có nồng độ cồn lái xe.jpg
Bạn đọc cho rằng quy định cấm người có nồng độ cồn lái xe chưa phù hợp. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Còn bất cập, chưa hợp lý

Từ phương diện người điều khiển phương tiện giao thông, bạn đọc Lê Thuần bày tỏ: “Nhiều người cơ địa không bình thường, như tôi uống rượu bia hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở. Nếu nói không tỉnh táo khi lái xe trong trường hợp đó thì không thuyết phục chút nào. Thiết bị đo đôi khi còn sai sót vậy mà lại yêu cầu không có nồng độ cồn tuyệt đối thì quá vô lý, không lẽ giờ cấm uống nước trái cây lên men và đồ ăn uống chế biến hấp bia, kho rượu vang à?".

Đồng thời, bạn đọc Mai Dung viết: “Tôi đề nghị xem xét lại, nếu vượt quá mức nồng độ cồn cho phép thì xử phạt. Chứ giờ quy về số 0 thì không hợp lý, ăn tôm hấp bia, mực hấp bia cũng bị dính ngay, vậy các quán ăn làm ăn kiểu gì nữa. Các quy định cần kết hợp giữa quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. Quá nghiêm khắc, nên tham khảo quy định của các nước và điều chỉnh phù hợp với thể trạng người Việt”.

Tương tự, bạn đọc Cường Nguyễn nêu: “Tác hại của rượu bia ai cũng biết, say rượu lái xe rất nguy hiểm, gây ra hậu quả khó lường. Tuy nhiên 0 tuyệt đối là không phù hợp vì máy đo nồng độ cồn rất dễ có khả năng sai số. Luật áp dụng phải phù hợp với thực tế chứ khắt khe quá thì ảnh hưởng đến thu nhập, công ăn việc làm của người dân. Cần nâng mức cho phép, ai sai phạm thì phạt gấp 2, gấp 3, hoặc cứ như Úc, gắn thiết bị thổi nồng độ cồn trên xe vài tháng đối với đối tượng vi phạm”.

Bên cạnh đó, bạn đọc Minh Giang cho rằng: “Có người một ngụm cũng say, có người 1-2 lít cồn vẫn tỉnh táo, nên không nhất thiết phải đưa nồng độ cồn về bằng 0 khi lái xe. Tôi nghĩ nên giới hạn nồng độ cồn ở mức phù hợp và có bài kiểm tra về độ tỉnh táo đối với đối tượng có nồng độ cồn trong máu như Mỹ áp dụng hiện nay. Ai ở mức cho phép và đạt bài kiểm tra thì không xử phạt, ngược lại vi phạm thì phạt thật nặng. Như vậy thì hợp lý hơn, đừng khắt khe và cứng nhắc quá”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm