Người dân đi khám bệnh phát hiện mắc COVID-19 xử lý như thế nào?

Sau một thời gian dài giãn cách do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nay tôi muốn khám bệnh trở lại. Tôi được biết khi bệnh nhân đến khám thì các bệnh viện sẽ khám sàng lọc. Giả sử trong quá trình khám sàng lọc, nếu bệnh viện phát hiện ra tôi là F0 thì làm sao? Tôi có phải ở lại cách ly tại bệnh viện luôn hay cho về cách ly tại nhà?

Bạn đọc Hùng Quân (TP.HCM)

Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: 

Sở Y tế TP.HCM đã ban hành văn bản số 7426/SYT-NVY về quy trình xử lý F0 tại bệnh viện và các phòng khám.

Theo đó, bệnh viện phải thực hiện khai báo y tế, phân luồng, sàng lọc cho tất cả mọi người khi đến bệnh viện. Trong trường hợp các bệnh viện phát hiện F0 thì bệnh viện xử lý theo quy trình sau:

Bước 1. Cách ly tạm F0

Cách ly tạm F0 tại buồng cách ly hoặc khoa/đơn vị COVID-19 của bệnh viện, lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định nếu trước đó chỉ làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Bước 2. Khám và đánh giá tình trạng sức khỏe của F0

Nếu phát hiện F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%): Cho người bệnh thở oxy, chuyển người bệnh vào phòng cấp cứu của khoa đơn vị COVID-19 (nếu có) và điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Tùy thuộc năng lực điều trị của bệnh viện và tình trạng bệnh nhân, liên hệ chuyển F0 đến bệnh viện có khoa/đơn vị COVID-19 hoặc bệnh viện điều trị COVID-19 gần nhất bằng xe cấp cứu, sử dụng một liều thuốc kháng đông theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế trước khi chuyển bệnh.

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM. Ảnh: HOÀNG LAN

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: Tùy thuộc vào lý do đi khám bệnh của F0, mời bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa đến khám bệnh cho F0 tại buồng cách ly.

Trong trường hợp F0 có chỉ định nhập viện điều trị bệnh chuyên khoa thì cho F0 nhập viện vào khoa/đơn vị COVID-19 để được điều trị chuyên khoa. Nếu bệnh viện không có chuyên khoa tương ứng thì liên hệ chuyển F0 đến các bệnh viện có chuyên khoa phù hợp và có khoa/đơn vị COVID-19.

Trường hợp F0 không có chỉ định nhập viện: Bệnh viện tư vấn và hướng dẫn F0 tự đánh giá mức đạt của tiêu chí cách ly tại nhà hoặc về địa phương cách ly tập trung.

Bước 3. Nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”

Sau khi nhập thông tin F0 bệnh viện phải bấm chuyển thông tin trên phần mềm đến nơi F0 sẽ cách ly điều trị: Trạm y tế nơi người bệnh sẽ cách ly tại nhà hoặc cơ sở cách ly tập trung F0 phường, xã, thị trấn, quận, huyện hoặc bệnh viện điều trị COVID-19.

Như vậy, trong quá trình đi khám bệnh nếu qua khám sàng lọc bệnh viện phát hiện người dân là F0 thì bệnh viện sẽ xử lý nếu có chuyển biến nặng. Trường hợp nhẹ không có triệu chứng thì sẽ tư vấn hướng dẫn cho người dân cách ly tại nhà (nếu nhà đủ điều kiện) hoặc sẽ chuyển về khu cách ly tại địa phương để quản lý.

Lưu ý, hướng dẫn trên áp dụng đối với bệnh viện. Đối với phòng khám đa khoa nếu đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 áp dụng quy trình xử lý như trên.

Trường hợp phòng khám đa khoa, chuyên khoa chưa đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2, khi phát hiện người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 cần liên hệ và hướng dẫn người bệnh đến các bệnh viện để được tầm soát theo quy định (sử dụng xe cá nhân hoặc xe taxi chuyên vận chuyển F0).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…