Gặp nạn không cứu, có bị xử lý hình sự?

Hỏi:

Tôi thấy có nhiều tấm gương tốt cứu người nhảy cầu tự tử hoặc bị đuối nước khi tắm trên sông, biển, có người đã phải hy sinh cả tính mạng của mình để cứu người khác. Tuy nhiên, có một số trường hợp tôi biết khi có tai nạn như vậy xảy ra, nhiều người chỉ tập trung đứng xem, không ra tay cứu giúp, có khi để nạn nhân phải chết. Xin hỏi, về việc không cứu người bị nạn, pháp luật có quy định xử lý hình sự hay không?

Bạn đọc Nguyễn Thanh Tùng (TP.Vũng Tàu)

Trả lời:

Tại Điều 132 Bộ luật Hình sự  2015, sửa đổi 2017 đã quy định về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, cụ thể

- Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến nặm năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

- Phạm tội dẫn đến hậu quả hai người trở lên chết, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Vì vậy người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp, dẫn đến hậu quả người đó chết, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất là bảy năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm