Trăm kiểu hành dân - Bài 3: Cương quyết không ký!

Sau khi mua được miếng đất gắn với căn nhà ở khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên (An Giang), gia đình chị Vương Thị Thùy Duyên đi làm thủ tục xin cấp đổi biển số nhà. Chị Duyên đã nếm trải chuyện “hành là chính” của các cán bộ phường.

Đòi cái không có       

Ngày 15-12-2011, chị Duyên mang bộ hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp số nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với căn nhà, giấy xác nhận nhà ở hợp pháp có xác nhận của khóm Mỹ Phú.

Nhận hồ sơ, sáu ngày sau cán bộ phường Mỹ Quý báo cho chị biết là thủ tục còn thiếu. Chị tức tốc đến phường, cán bộ yêu cầu chị bổ sung hồ sơ thiết kế nhà và đóng thuế thầu xây dựng. “Tôi thắc mắc, căn nhà này đã cất từ lâu, sao phải đóng thuế thầu xây dựng? Lúc này có một chị đi ngang qua giải thích là tôi mới chỉ có quyền sử dụng đất chứ chưa có quyền sở hữu nhà, nghĩa là chưa có nhà ở hợp pháp. Bán tín bán nghi, tôi chạy lên Phòng Quản lý đô thị TP Long Xuyên tìm hiểu thì một cán bộ nơi đây giải thích: Hồ sơ của tôi như thế là ổn theo Quyết định số 41/2007 của tỉnh An Giang. Tôi còn thấy người cán bộ này điện thoại với cán bộ phường Mỹ Quý, nói về quyết định trên… Tôi yên trí là phường sẽ không còn đòi hỏi gì thêm” - chị Duyên kể.

Trăm kiểu hành dân - Bài 3: Cương quyết không ký! ảnh 1

Nhiều người dân phải đi tới đi lui nhiều lần khi làm thủ tục nhà đất. Ảnh: HTD

Về phường, tôi trình bày với ông Phan Thanh Hùng, Phó Chủ tịch phường, về hồ sơ của mình và đề nghị phường xác nhận, chuyển lên cấp trên giải quyết.

Tưởng đã qua được ải, ai dè sáng hôm sau, cán bộ phường lại điện thoại, yêu cầu tôi nộp thêm hồ sơ kỹ thuật khu đất. Tôi lại lên Phòng Quản lý đô thị tìm hiểu. Tại đây, người cán bộ hôm trước lại giải thích cho tôi là hồ sơ kỹ thuật đã được in chung trên “giấy đỏ” rồi. Người này lại điện thoại cho cán bộ phường, lưu ý về việc này” - chị cho hay.

“Ba ngày sau tôi lên phường, cán bộ vẫn chưa ký xác nhận vào hồ sơ. Không chịu nổi kiểu hành hạ vô lý này, tôi yêu cầu phường trả lại toàn bộ hồ sơ. Nhận lại hồ sơ, tôi thấy thiếu giấy xác nhận nhà ở hợp pháp của khóm nên sau đó tôi quay lại phường để đòi giấy này. Trong lúc đợi cán bộ phường thì ông Hùng đi ngang, cầm bộ hồ sơ của tôi đi thẳng vào phòng làm việc. Sau khi lật qua lật lại, ông Hùng cho tôi biết là tôi chưa có nhà ở hợp pháp, địa phương không thể xác nhận. Ông còn nói là cứ thưa nếu thấy phường không đúng” - chị Duyên kể.

Phường nhận sai

Chiều 9-1-2012, chị Duyên đến phường Mỹ Quý đăng ký xin gặp chủ tịch phường. Chờ mãi không gặp được chủ tịch, gia đình chị Duyên khiếu nại đến UBND TP Long Xuyên. Ngày 28-3-2012, sau gần ba tháng rưỡi nộp hồ sơ ở phường, gia đình chị Duyên được UBND TP Long Xuyên cấp số nhà mà không cần xác nhận của phường.

Ông Phạm Huy Cường, Phó phòng Quản lý đô thị TP Long Xuyên, cho biết trường hợp của gia đình chị Duyên, phường đòi thêm thủ tục, yêu cầu đóng thuế thầu xây dựng là không đúng.

Ngày 24-4, ông Phan Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Quý, nói: “Tôi nhớ có lần chị Duyên từ Phòng Quản lý đô thị về, chị “cho” tôi và mấy cán bộ văn phòng một trận te tua nên tôi bức xúc. Thêm nữa, lúc đầu cán bộ phường trình bày tôi coi hồ sơ không kỹ. Nghĩ lại, thấy chuyện mình làm có sai, gây bức xúc, kéo dài thời gian cho dân. Về góc độ địa phương, tôi xin nhận khuyết điểm và sẽ chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc của các cán bộ văn phòng”.

Giữa hai “làn đạn”

Mới đây, anh Nguyễn Văn M. nộp đơn xin ly hôn chị C.tại TAND huyện Cái Bè (Tiền Giang). Cán bộ tòa viết phiếu hướng dẫn (có đóng dấu treo của tòa) để anh M. đến Công an xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè xác nhận tình trạng cư trú của chị C. nhưng công an xã không xác nhận. Sau nhiều lần bị từ chối, anh khiếu nại chủ tịch UBND xã và trưởng Công an xã Mỹ Trung đã trả lời cho anh: Công an chỉ xác nhận thông tin cá nhân của chính đương sự. Công an xã cũng cho biết thêm là chỉ xác nhận tình trạng cư trú khi có công văn của tòa.

Anh M. quay lại tòa, nói về cái công văn. Kẹt nỗi, vụ án chưa thụ lý nên tòa án không thể ra công văn yêu cầu xác nhận tình trạng cư trú của chị C. Được mách nước, anh M. quay lại xã, yêu cầu công an cho mấy chữ “không xác nhận” vào đơn để anh có cớ nhờ tòa thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, yêu cầu này của anh cũng bị công an xã từ chối… Chạy qua chạy lại giữa hai cơ quan, đến giờ anh chẳng biết phải làm sao cho đúng.

KHÁNH MINH

“Vẽ rắn thêm chân” ở phường Bình Trị Đông là sai

“UBND phường Bình Trị Đông từ chối giải quyết hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của người dân là sai” - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Huỳnh Minh Khiêm khẳng định sau bài “Vẽ rắn thêm chân” trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 10-7.

Ông cũng cho hay lãnh đạo quận rất cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã có những phản ánh, góp ý cho quận. Về những trường hợp cụ thể mà bài báo nêu, quận đã cho rà soát khâu giải quyết và sẽ có văn bản phản hồi. “Riêng về việc UBND phường Bình Trị Đông không giải quyết hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của người dân thì rõ ràng không đúng. Thẩm quyền của phường là xác nhận nhà đất có tranh chấp hay không mà thôi. Còn việc giải quyết hay từ chối hồ sơ là do cấp quận thực huyện” - ông nói rõ. Ông cho hay khi được báo phản ánh, quận đã chỉ đạo UBND phường Bình Trị Đông cũng như các phường khác phải tiếp nhận hồ sơ cho người dân. “Nhân đây, cũng xin mời người dân được phản ánh trong bài viết đến nộp lại hồ sơ tại phường để được giải quyết” - ông nói thêm.

Ông Khiêm bày tỏ về nguyên nhân phải xem xét về điều kiện hạ tầng khi chuyển mục đích sử dụng đất. “Ở quận đất trống còn khá nhiều nhưng cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên ngại xảy ra tình trạng các “đầu nậu” mua đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch rồi phân lô, bán nền mà không đầu tư hạ tầng. Do đó, quận yêu cầu UBND phường phải xác nhận thêm về điều kiện điện, cấp thoát nước và đường đi tại khu đất xin chuyển mục đích. Nếu không người mua lâm vào tình cảnh  “ba không” còn “đầu nậu” hưởng lợi, ngân sách nhà nước phải gánh. Quận chỉ cảnh giác đối với “đầu nậu”, còn với người dân chắc chắn sẽ được giải quyết ngay nếu đủ điều kiện về quy hoạch” - ông khẳng định.

CẨM TÚ

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm