Vào bệnh viện, phải thủ sẵn phong bì

Chuyện BV K Trung ương quyết định kỷ luật bảy cán bộ, nhân viên có hành động vòi vĩnh, gây khó dễ và có thái độ không tốt đối với bệnh nhân là động thái nghiêm khắc. Nạn nhũng nhiễu trong ngành y thật ra không mới, dù Bộ Y tế đã nhiều lần chấn chỉnh. Trên thực tế, vấn đề đòi tiền bồi dưỡng để được chăm sóc tốt hơn, thái độ nhã nhặn hơn diễn ra ở khá nhiều nơi.

Dúi tiền, có giường nằm ngay

Cha tôi bị ung thư gan, đau dữ dội vùng bụng và sức yếu dần. Sáng hôm ấy tôi đưa cha đến bệnh viện rất sớm để chờ lấy số, đến 4 giờ chiều mới làm xong các xét nghiệm. Bác sĩ yêu cầu cha tôi nhập viện, xạ trị vì tình trạng khá nguy hiểm. Thủ tục này nọ ì ạch đến khuya, giường nằm ghép cũng không có. Hai cha con nằm vất vơ ngoài hành lang đêm thứ nhất. Đến ngày thứ hai, tôi chạy đi mua chiếu, gối. Cha tôi xạ trị xong lại ra hành lang nằm, tôi xót ruột lắm. Sang ngày thứ ba, những người chung quanh chỉ tôi dúi tiền cho điều dưỡng để có chỗ nằm. Tôi làm theo. Chỉ một tiếng sau, cha tôi đã có giường nằm, ghép đôi. Thái độ của điều dưỡng cũng thay đổi hoàn toàn khi chăm cha tôi. Không lẽ cứ có tiền mới được chăm sóc tốt?

LÊ QUỐC BẢO (Cai Lậy, Tiền Giang)

Chuẩn bị sẵn tiền lót tay

Đầu tháng 9-2016, tôi bị thai lưu con đầu lòng ở tuần thứ tám, được chỉ định hút thai. Khi tôi vào phòng phẫu thuật một bệnh viện phụ sản, cô y tá hỏi tôi có người nhà đi cùng không, rồi thẳng thừng đề cập chuyện đưa tiền cho bác sĩ trước khi hút thai. Hôm đó trong túi chồng tôi chỉ còn 500.000 đồng nên anh đưa 400.000 đồng, nhờ bác sĩ “cầm tạm”. Sau khi hút thai được tám ngày, tôi bị ra máu nên phải quay lại bệnh viện tái khám. Lúc này tôi mới biết mình vẫn còn dịch trong tử cung, phải hút thai lần thứ hai. Chồng tôi sợ ảnh hưởng đến việc có em bé sau này nên chuẩn bị phong bì dày hơn trước. Đi viện mới biết ngoài khoản viện phí, bệnh nhân còn thêm khoản “bác sĩ phí”.

PHAN THỊ LỆ (Di Linh, Lâm Đồng)

Đừng tiếp tay làm hỏng nhân viên y tế

Chị tôi trong một lần nằm viện để mổ dạ dày ở một bệnh viện tỉnh chủ động bỏ phong bì. Ngoài ra, mỗi tối hay mỗi sáng chị còn mua đồ ăn sáng hay trái cây gọi là bồi dưỡng cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Chị bảo mình cảm nhận được sự tận tâm của nhân viên y tế ngay sau đó, không còn bị đau khi tiêm thuốc, được thăm khám chu đáo, dặn dò thuốc men kỹ lưỡng.

Bản thân tôi có lần nằm viện điều trị cả chục ngày ở một bệnh viện tuyến dưới. Một số người nhà bệnh nhân nói nhỏ với tôi là để được bác sĩ, nhân viên y tế quan tâm, chăm sóc tận tâm thì phải “chịu thiệt” một chút là bỏ phong bì. Quả thật tôi để ý thấy sau khi nhận được phong bì của một số bệnh nhân nằm chung phòng, bác sĩ và nhân viên y tế vui vẻ và nhiệt tình hơn, đẩy xe lăn nhẹ nhàng và không còn tỏ thái độ cằn nhằn, khó chịu như trước...

Thiết nghĩ chính bản thân người bệnh hoặc thân nhân cần từ bỏ thói quen cũng như suy nghĩ không tốt là phải dấm dúi này nọ bởi chính suy nghĩ ấy, hành vi ấy làm hỏng một số y, bác sĩ. Thực tế cho thấy không phải bác sĩ hay nhân viên y tế nào cũng mong muốn nhận phong bì.

NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN (Quận 5, TP.HCM)

Đau rớt nước mắt

Tôi nhớ chuyện cha tôi năm trước. Cha tôi bị ung thư dạ dày. Nhà quá khó khăn, bác tôi bỏ tiền ra đưa cha tôi đi Hà Nội chữa trị, bệnh viện cho nội soi có gây tê đàng hoàng. Năm trước vết mổ của cha tôi bị đau trở lại, nhà lúc này lâm tình cảnh khó khăn, đành chuyển viện khác để đỡ chi phí. Vừa kẹt tiền, lại buồn lo cho cha nên ai xui dấm dúi tiền bạc gì, gia đình tôi cũng không để ý. Lúc nội soi, người ta thòng thẳng cái dây vô ruột cha tôi mà chẳng gây tê trong khi lúc ấy cha tôi yếu lắm rồi, đau rớt nước mắt. Trước khi ra về, cha tôi hỏi bác sĩ có cho uống thuốc gì không, bác sĩ quát bảo không uống thuốc gì hết, ba tháng sau quay lại khám. Rồi họ kêu bệnh nhân khác vào, mặc cho cha tôi mặt tái xanh ôm bụng đứng đó. Suốt một tuần sau, cha tôi đau quá chỉ húp được cháo. Sau đó thì cha tôi mất... Giờ kể ra chuyện cũng chẳng giải quyết được gì nhưng tôi mong những người khoác áo blouse trắng đừng để đồng tiền che mờ mắt. Họ phải biết xấu hổ trước những đồng nghiệp khác tận tâm, có trách nhiệm với nghề, được xã hội trân trọng và tôn vinh!

NGUYỄN THỊ HOA (Thanh Chương, Nghệ An)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm