Xin chưa nói đến thực hư về chuyện này như thế nào nhưng rõ ràng đoạn clip ấy tiếp tục gợi lại sự nhức nhối cho xã hội về tệ phong bì trong bệnh viện.
Người thân bệnh tật, ốm đau, đó đã là một nỗi cùng cực. Nhưng giữa nỗi cùng cực ấy vẫn phải lo lót phong bì để người thân của mình được mổ nhanh, được chăm sóc tốt… Điều đó hẳn nhiên chẳng ai vui vẻ gì. Nhưng tại sao ai ai đến bệnh viện cũng phải chấp nhận và “thực hành” như một thói quen? Hẳn nhiên khi vì người thân được mạnh khỏe, thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì có điều gì mà người ta không thể làm? Nhưng cứ nghĩ trong cảnh bĩ cực ấy, khi người dân phải dồn hết tâm trí, tiền bạc vào để lo cho người thân của mình, không lẽ những ai nhận lấy đồng tiền ấy mà chẳng mảy may áy náy?
Còn nhớ năm 2013, bộ trưởng Bộ Y tế khi trả lời công luận và Quốc hội đã rất quyết liệt: Kêu gọi người dân, cử tri nói chung dứt khoát không đưa phong bì: “Nếu phát hiện bác sĩ nào nhận phong bì hãy chụp ảnh, ghi lại tên tuổi đưa cho chúng tôi xử lý. Y đức là vấn đề văn hóa, là danh dự của ngành y, của hình ảnh người thầy thuốc, đồng thời là trách nhiệm của người dân. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề y đức”.
Thậm chí bộ trưởng còn nói rằng: Nạn phong bì chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh, làm vẩn đục sự thanh cao của ngành y tế. Tuy nhiên, cũng chính bộ trưởng thừa nhận rằng: “Quả thực đôi lúc “sâu” cũng hơi nhiều!”.
Từ những phát biểu của bộ trưởng, “phong trào nói không với phong bì trong y tế” đã được triển khai với khoản tài trợ hàng ngàn USD từ chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2015 nhằm nâng cao y đức như mong muốn của bộ trưởng. Chưa biết phong trào ấy đã hiệu quả đến đâu vì chưa có một số liệu tổng kết nào. Nhưng chắc chắn có một sự thật: Người nhà bệnh nhân vẫn thường phải đưa phong bì cho bác sĩ và không ít bác sĩ cũng vẫn vui vẻ đón nhận như một lẽ thường tình. Phong bì, có thể là khoản thu nhập thêm không thể thiếu, là niềm vui của bác sĩ nhưng lại là nỗi đau của những người bệnh, của xã hội mà sự trong sạch vẫn đang là mục tiêu hướng tới.
Dẫu biết rằng vấn nạn phong bì không chỉ tồn tại trong ngành y tế, mà ở bất cứ đâu phong bì cũng trở thành chất “bôi trơn” cho công việc của người dân, doanh nghiệp trở nên suôn sẻ. Nhưng khi phải chứng kiến những hiện thực trần trụi đang diễn ra lại là lúc để mỗi người cảm nhận được nỗi đau ở nhiều chiều kích của nó. Trong đó có cả nỗi đau về thân phận bọt bèo giữa chốn thanh cao và nỗi đau về những quyết tâm làm trong sạch xã hội bao năm nay vẫn chưa hiệu quả.