Tác hại nếu mua nhầm yến giả
Yến có giá trị dinh dưỡng rất cao, được dùng để bồi bổ sức khỏe, sắc đẹp vì thế giá thành của mặt hàng này rất cao, chính vì thế trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều nơi làm và buôn bán yến giả. Để qua mắt người tiêu dùng, người làm yến giả càng ngày càng sử dụng công nghệ tinh vi.
Để qua mắt người tiêu dùng, người làm yến giả ngày càng tinh vi. Ảnh: Internet
Người sử dụng yến giả không những không mang lại giá trị dinh dưỡng gì mà còn có thể gây hại cho sức khỏe. Một số loại nguyên liệu thường dùng làm yến giả như: lòng trắng trứng, rong biển, đường và phẩm màu, một số người còn dùng bột hoặc bún để làm giả yến. Ngoài ra, người làm yến giả còn có thể bỏ một số hóa chất tẩy trắng rất có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Cách nhận biết yến thật, yến giả
Theo chị Anh Thư, một chủ cửa hàng bán yến, cho biết: “Trường hợp nếu yến có trộn bột khi cho vào nước thì yến có trộn bột sẽ tan ngay, còn yến thật dù có mềm nhưng sẽ không tan sợi, khi chưng yến nếu yến trộn bột hay mủ trôm sẽ tan thành nước, còn yến thật sẽ không tan, trừ khi chưng quá thời gian và quá lửa thì cũng chỉ tan một phần”.
Trên thị trường quá nhiều sản phẩm yến, khó phân biệt được hàng thật và hàng giả. Ảnh: Internet
Theo một số chuyên gia về yến cho biết, có 3 loại yến cần biết là yến trắng, yến hồng và yến huyết, yến trắng thường có màu trắng đục, yến hồng có màu hồng nhạt và yến huyết có màu ngà đỏ đến đỏ như gấc. Trường hợp yến huyết có màu đỏ xỉn hoặc đỏ sáng thường là yến nhuộm hóa chất. Yến thật tổ dày, cầm chắc tay các sợi yến đều nhau và có hình vòm cung, chú ý phần đáy có màu vàng đen nhưng bẻ không gãy. Ngâm yến khoảng 30 phút sợi yến vẫn giữ nguyên, không bị nhão. Yến thật có sợi yến dài và nguyên.
Cách xử lý người bán yến giả
Theo luật sư Phạm Quốc Hưng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người buôn bán Yến giả có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự: theo Nghị Định 185/2013 về xử lý hành chính thì việc buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (nếu hàng giả tương đương hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng) . Mức phạt sẽ tăng dần (theo giá trị hàng giả tương đương với hàng thật) từ 1.000.000 đồng tới 30.000.000 đồng và có thể tới 50.000.000 đồng nếu trị giá hàng giả tương đương hàng thật vượt quá 30.000.000 đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo BLHS hiện hành quy định tại Điều 157 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì người buôn bán hàng giả là thực phẩm... có thể bị xử phạt hình sự thấp nhất là 2 năm tới 7 năm tù; và từ 7 năm đến 12 năm tù, 12 năm đến 20 năm tù, tùy tính chất mức độ sai phạm; thậm chí nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị xử phạt tù chung thân, tử hình: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.