Tất nhiên vấn đề “xã hội đen” trong nền kinh tế không phải đến lúc này mới được nêu ra. Trước đó, lãnh đạo ngành công an đã không ít lần đề cập đến vấn đề này trong các chỉ đạo truy quét tội phạm. Đó chính là “các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, núp bóng DN, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, thanh toán, trả thù lẫn nhau, chống người thi hành công vụ”.
Những kết quả đạt được của ngành công an trong việc truy quét các băng nhóm tội phạm núp bóng DN là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sự diễn biến phức tạp của chúng và hậu quả khôn lường từ hiện trạng trên tiếp tục gây ra những bất an cho người dân và xã hội.
Rất nhiều người dân đã trở thành nạn nhân khốn cùng của các băng nhóm xã hội đen núp bóng DN. Thậm chí có những DN còn tự cho mình cái quyền tự tổ chức lực lượng cưỡng chế đất đai - tư liệu sản xuất của người dân. Trong phút chốc, nhiều gia đình đã bị ép đến tán gia bại sản, mất sạch nhà cửa, tư liệu sản xuất mà mình tạo ra hằng bao năm trời.
Và đến mức người đứng đầu Chính phủ phải dùng từ “xã hội đen” để gọi tên những hiện tượng, băng nhóm trong nền kinh tế cho thấy tình trạng này đang rất báo động. Bởi cũng nên hiểu rằng: “xã hội đen” là một thế lực ngầm, trong bóng tối nhưng lại có thể chi phối những chủ thể hiện hữu, bất chấp cả pháp luật, đôi khi cả luân thường, đạo lý.
Bí thư TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã từng kể chuyện có giám đốc DN đến tận cửa cơ quan công quyền chỉ mặt giám đốc sở và hỏi: “Có muốn làm việc nữa không?”. Ông Nghĩa coi đó là sự sỉ nhục đối với chính quyền. Hay sau khi một số ông chủ DN bị khởi tố và truy nã gần đây, người ta mới hé lộ những phi vụ mà nếu xét theo lời Thủ tướng thì còn hơn cả... xã hội đen kinh tế.
Bởi những phi vụ ấy không chỉ làm ảnh hưởng tới nguời dân, đe dọa các DN khác, mà họ còn dám ngồi xổm trên pháp luật, lấn át chính quyền. Hoặc ngay những đại án liên quan đến các cựu cán bộ cấp cao đang được đưa ra xét xử cũng làm cho công luận không khỏi băn khoăn về sự bình yên trong kinh tế.
Nguyên nhân gây ra tình trạng mà Thủ tướng gọi là “xã hội đen kinh tế” thì có nhiều nhưng cơ bản nhất vẫn là vấn đề quyền lực không được kiểm soát. Đến nỗi quyền lực vốn dĩ là để phục vụ nhân dân thì lại được dùng để cung phụng những DN sân sau, thân hữu. Tham nhũng lên ngôi và rửa trôi cả những cương thường, đạo lý xã hội.
Điều ấy khiến cho môi trường kinh doanh mà Thủ tướng và Chính phủ đang nỗ lực kiện toàn sẽ đối mặt với các nguy cơ tác động từ chúng làm cho méo mó đi. Lớn hơn, đây chính là lực cản âm ỉ làm triệt tiêu các nội năng của nền kinh tế; gây mất niềm tin của người dân và DN.
Rõ ràng, nếu không quyết liệt tấn công, triệt phá đến tận cùng thì các phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” mà Thủ tướng đề ra mới đây sẽ khó có thể thành hiện thực. Động lực thúc đẩy quốc gia phát triển lành mạnh, bền vững sẽ chịu tác động không nhỏ.
Trước đòi hỏi đó, việc loại bỏ những băng nhóm xã hội đen trong kinh tế như yêu cầu của Thủ tướng là không thể xem thường. Nó không phải chỉ dừng lại ở những chiến dịch của các cơ quan đảm nhận trọng trách phòng, chống tội phạm nữa.
Thủ tướng đánh động như thế là muốn huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc mà trên hết là “trăm tai nghìn mắt” của nhân dân. Đó chính là khởi nguồn của sức mạnh và là điểm tựa lớn nhất để tạo nên sức công phá thực sự.
Hy vọng rằng hồi chuông gióng lên từ Thủ tướng và lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ sẽ nhanh chóng trở thành những quyết lệnh, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân để tấn công mạnh mẽ vào những “hang ổ” tội phạm còn đang ẩn náu trong nền kinh tế của quốc gia!