Sáng ngày 23-9, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon tổ chức lễ ra mắt và chuỗi hoạt động hưởng ứng chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2023 tại TP.HCM.
Tại chuỗi sự kiện này cũng đã diễn ra Tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” với chủ đề Hành động hướng tới Net Zero.
Đây cũng là dịp ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon và phát động Giải thưởng “Báo chí Phát triển Xanh” lần thứ Nhất (2023 – 2025).
Nhiều giải pháp để phát triển bền vững
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đánh giá chủ đề thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển xanh, phát triển bền vững luôn được Đảng và Nhà nước, cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm.
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật, đề án, chương trình về phát triển xanh, phát triển bền vững.
Tại sự kiện, ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital chia sẻ, VinaCapital đang hợp tác để xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Long An với Tập đoàn GS Energy của Hàn Quốc.
Mục tiêu là cung cấp điện cho toàn bộ khu vực miền Nam. Nhà máy điện này ban đầu được lên kế hoạch là nhà máy điện than. VinaCapital vinh dự là đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.
Ngoài ra, VinaCapital còn thành lập quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, chuyên đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon. Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn khí thải nhà kính được cắt giảm.
Ông Đặng Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập Đoàn Trung Nam cũng chia sẻ: "Ngay từ khi thành lập, tập đoàn đã đầu tư vào các thủy điện nhỏ, cũng là một dạng năng lượng. Đến nay, doanh nghiệp là một trong những đơn vị đứng đầu về năng lượng sạch tại Việt Nam.
Thời gian tới, Trung Nam sẽ đầu tư sâu hơn vào mảng năng lượng sạch với chiến lược đặt trọng tâm ba nền tảng là con người - hành tinh và hiệu quả, đó là triết lý để phát triển và hướng tới phát triển xanh."
Trung Nam cũng tiếp tục đầu tư vào phát triển điện gió ở ngoài khơi, phát triển halogen và có thể tiếp tục phát triển về truyền tải.
Báo chí cùng đồng hành hướng tới Net Zero
Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp hiệu quả rất nhiều hoạt động tuyên truyền, truyền thông chủ đề TN&MT thời gian qua.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
"Chủ đề tọa đàm báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” và phát động Giải báo chí Phát triển xanh lần thứ Nhất (2023 – 2025) là các hoạt động điển hình và thiết thực.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: "TN&MT là một lĩnh vực cần nhà báo có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, có hiểu biết sâu về lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.
Điều này góp phần làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu Zero Carbon vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP 26."
Các cơ quan báo chí có thể dành thời lượng và hình thức phù hợp để tuyên truyền về chủ đề liên quan đến phát triển xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tạo điều kiện để phóng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ để trở thành những cây bút giỏi nghiệp vụ, chắc chuyên môn, có thể xây dựng và triển khai các đề tài, tuyến bài tuyên truyền về chủ đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…
Báo Pháp luật TP.HCM là tờ báo có thế mạnh trong việc xây dựng đề tài và tổ chức thực hiện các tuyến tin, bài liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý; tổ chức hội nghị, tọa đàm, góp ý và phản biện chính sách liên quan đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, báo cũng sẽ quan tâm và tăng cường thời lượng để tuyên truyền về chủ chống biến đổi khí hậu, kinh tế xanh… Điều này sẽ góp phần làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, đóng góp một phần nhỏ vào mục tiêu Zero Carbon vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon
Về khía cạnh doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập Đoàn Trung Nam đánh giá, năng lượng tái tạo có chi phí đầu tư rất lớn, lên đến hàng chục tỉ đô la.
Do đó, vai trò của truyền thông rất quan trọng, làm sao để người dân và doanh nghiệp thấy được đây là một khoản đầu tư rất hiệu quả. Ngoài ra, làm sao để tăng cường sự minh bạch trong việc lựa chọn các nhà đầu tư để phát triển hiệu quả.
Tại sự kiện công bố “Giải Báo chí Phát triển Xanh” lần thứ Nhất (2023 - 2025), ông Trịnh Xuân Quảng – Phó Chánh Văn phòng Bộ TN&MT, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon cho biết: Giải được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của mình trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững, phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Giải tôn vinh những giải pháp công nghệ, hiến kế, đổi mới sáng tạo, con người điển hình trong công cuộc giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa; xây dựng và phát triển bền vững gắn với thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, xanh và bền vững...