Ngày 10-9, thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết trong tháng 8 vừa qua, BV tiếp nhận một ca bệnh nhân nữ nhiễm vi khuẩn Whitmore khá hy hữu.
Liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Whitmore
Trước đó bệnh nhân bị tổn thương áp xe vùng mũi và cánh mũi, được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu. Bệnh nhân đến BV để được điều trị. Tuy nhiên, sau khi lấy máu và mủ ở vết thương tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhiễm loại vi khuẩn Whitmore đe dọa tính mạng chứ không phải nhiễm trùng huyết do tụ cầu.
Do đó, các bác sĩ phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Theo dõi tình trạng của bệnh nhân, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, cho biết khi nhiễm vi khuẩn Whitmore, bệnh nhân phải được điều trị bằng phác đồ đặc hiệu với kháng sinh phối hợp. Sau khi tình trạng toàn thân ổn định, bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh kéo dài kết hợp với các liệu pháp điều trị của chuyên khoa tai mũi họng: Rửa vết thương, kiểm soát và xử lý các tổn thương tại mũi, họng.
“Rất may bệnh nhân chỉ tổn thương da, phần mềm ở cánh mũi, chưa tổn thương đến xương. Sau hai tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và đang lên da non. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất ba tháng, được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, nếu không bệnh sẽ có khả năng tái phát, khi đó tỉ lệ tử vong rất cao” - PGS-TS Đỗ Duy Cường cho hay.
Cũng theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, nếu như trước đây 5-10 năm mới có 20 ca mắc Whitmore thì từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này, trong đó riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca Whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: An Hiền
Dễ chẩn đoán nhầm với bệnh khác
PGS-TS Đỗ Duy Cường cho biết các ca nhiễm vi khuẩn Whitmore đều có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân được nhập viện từ chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa... Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
Tuy nhiên, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tấn công liều cao (6-8 g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng hai tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ ba đến sáu tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. |
Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
“Vì đây là bệnh nhiễm trùng nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan. Nhiều bệnh nhân tổn thương ngoài da, tổn thương phổi, thận, áp xe lách, gan trên nền bệnh nhân mắc tiểu đường hay phổi mạn tính, tim, thận mạn tính… dẫn tới điều kiện dễ dàng cho Whitmore phát triển, làm suy đa tạng và sốc tử vong rất cao” - BS Cường cho hay.
Tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới của BV này, cho hay miền Nam là vùng dịch tễ lưu hành bệnh Whitmore nên số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore không phải là hiếm. Trong những năm chiến tranh, vi khuẩn Whitmore gây ám ảnh, còn được gọi với một cái tên “Vietnamese time bomb” nhằm ám chỉ một bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Nhiều cựu binh Mỹ khi xuất ngũ trở về nước mới có biểu hiện bệnh do ủ bệnh một thời gian dài.
Hằng năm BV ghi nhận trên 100 bệnh nhân nhập viện điều trị do nhiễm vi khuẩn Whitmore. Đa phần các bệnh nhân mắc bệnh thường có các bệnh lý như suy giảm hệ thống miễn dịch, tiểu đường, xơ gan… Bệnh cảnh khi nhiễm vi khuẩn Whitmore khá đa dạng từ có vết thương áp xe khắp nơi trên cơ thể cho đến tổn thương nhiều cơ quan như phổi, tim, gan, xương… Bệnh có thể được chẩn đoán khi xét nghiệm tìm vi khuẩn trong máu, mủ, đờm… của bệnh nhân. Do thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị nhiễm Whitmore nên các khoa của BV không khó nghi ngờ, chuyển bệnh nhân đến đúng chuyên khoa điều trị, tuy nhiên việc chẩn đoán bệnh ở tuyến dưới có thể gặp khó khăn và nhầm lẫn với bệnh cảnh khác do chưa chú ý đến bệnh này.
Phòng ngừa bệnh Whitmore Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động để tránh vết thương trầy xước ngoài da. Khi có những triệu chứng mô tả cần đi khám ngay tại các cơ sở có uy tín và xét nghiệm, tránh bệnh diễn tiến nặng. PGS-TS ĐỖ DUY CƯỜNG, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, |