Hai ngày qua, biết thông tin Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương thức thi THPT quốc gia cho năm 2017, tôi không khỏi ngỡ ngàng và lo lắng.
Gia đình chúng tôi đang có hai con đi học, cháu đầu năm nay học lớp 12 và cháu nhỏ đang học lớp 9. Để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp năm tới của con, chúng tôi đã phải cùng con và nhà trường định hướng việc học theo khối thi từ đầu năm lớp 10 để thuận lợi trong dạy và học. Ngoài học chính khóa, con tôi đã phải học thêm rất nhiều để nắm chắc hơn kiến thức cho các môn mà các cháu dự tính sẽ chọn thi.
Việc thay đổi phương thức thi làm các học sinh năm cuối và giáo viên ngỡ ngàng và lo lắng. Ảnh minh hoạ: HTD
Suốt ba năm qua, chúng tôi không ngừng thấp thỏm theo dõi những đổi mới của Bộ GD&ĐT về các kỳ thi cuối cấp THPT. Khi thì thi tốt nghiệp giảm từ sáu môn xuống còn bốn môn, rồi hai năm nay đổi mới từ hai kỳ thi xuống thành một kỳ thi “hai trong một”, với ba môn bắt buộc và một môn tự chọn. Năm nào cũng đổi mới và cũng gặp nhiều vấn đề khiến dư luận bất bình. Cách đây hai năm, học sinh phải chạy nộp hồ sơ xét tuyển ĐH bở hơi tai, kỳ thi vừa rồi tuy có yên bình hơn nhưng cũng đủ chuyện khóc cười. cứ tưởng rằng Bộ sẽ dừng lại ở đó để học sinh yên tâm “rút kinh nghiệm” hai kỳ thi trên mà học hành, giáo viên cũng yên tâm giảng dạy. Ai ngờ đùng một cái Bộ lại thay đổi kỳ thi. Tưởng đâu chỉ là cải cách một số nhược điểm của những kỳ thi trước để năm nay tổ chức tốt hơn nhưng hóa ra là thay đổi một cách chóng mặt.
Từ 4-8 môn thi (tùy chọn của học sinh theo khối thi) sẽ còn năm bài thi, rồi trừ môn văn làm tự luận, còn lại là trắc nghiệm, kể cả toán. Nghe thông tin mà tôi và có lẽ rất nhiều phụ huynh khác như muốn “té ngửa”. Không phải là “chỉ còn năm bài thi” như Bộ nói mà thật ra là mỗi học sinh phải thi sáu môn thay cho bốn môn trước đây, gồm ba bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Thi như thế thì con tôi đang học lớp 12 phải làm sao đây? Tôi thấy gộp vào thế này thực sự “hành” học sinh khi các cháu đã học 11 năm theo cách cũ, chỉ còn một năm thì làm sao mà theo kịp thay đổi này, bao nhiêu công sức học tập theo cách cũ của các cháu giờ phải làm sao? Ngay cả giáo viên, nhà trường cũng đâu phải thay đổi cách dạy ngay được mà phải có quá trình chuẩn bị, từ giáo án, kiểm tra, thi cử... Việc học và thi của các em đâu phải như việc đi ra chợ mua bó rau là xong, mà nó là cả một quá trình định hướng, học và luyện tập thì mới có được.
Chẳng lẽ con em chúng tôi mỗi ngày đã học mệt mỏi với chương trình này nặng nề như vậy rồi mà năm nào cũng phải làm “chuột bạch” cho những đổi mới như thế? Bây giờ tôi thật sự bối rối khi biết con mình sẽ nằm trong lứa học sinh đầu tiên của sự đổi mới này. Sẽ có những kinh nghiệm được người lớn rút ra sau lần đầu tiên thực hiện cách thi mới, còn con cái chúng tôi thì có đứa sẽ lỡ mất cơ hội vô trường mình thích, học ngành mình ao ước vì sợi dây kinh nghiệm của người lớn…
Tôi không nói cách làm này không tốt. Tôi luôn ủng hộ sự đổi mới để phát triển nhưng đổi mới nào cũng cần có lộ trình, bước đi rõ ràng để có sự chuẩn bị cả về dạy và học chứ không phải cứ mỗi năm mỗi khác như vậy. Năm nào cũng như thế thì đến học cũng không yên nói gì đến thi cử hiệu quả.