Đó là những chủ đề được 166 học sinh, sinh viên (HS-SV) đề cập nhiều tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM sáng 25-3.
Lo sợ với bạo lực học đường
Trước vấn đề về bạo lực học đường mà dư luận quan tâm thời gian qua, em Trần Nguyễn Thụy Khanh (lớp 6/1 Trường THCS Lạc Hồng, quận 10) bày tỏ rằng cảm thấy hoang mang và lo sợ khi gần đây vấn đề bạo lực trong HS xảy ra nhiều ở các trường trung học, nhất là khi xem clip các bạn lớp 7 tại một trường ở Trà Vinh đánh nhau. Trong trường em dù xảy ra không nhiều nhưng cũng có tình trạng các bạn đánh nhau hoặc có hành vi bạo lực. Như vừa qua, có bạn trong trường cầm dao lam đi đánh nhau với bạn ở trường khác.
“Mới là HS mà các bạn đã làm như thế thì quá nguy hiểm, môi trường thiếu an toàn cho các HS khác. Theo em, ban lãnh đạo nên có giải pháp mạnh hơn, xử phạt mang tính răn đe hơn với những hành vi này trong và ngoài nhà trường” - Khanh chia sẻ.
Em Trịnh Thu Phương, HS Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, cũng ý kiến, ở tuổi của các em có rất nhiều vấn đề khúc mắc hoặc biến đổi tâm sinh lý nhưng các em không biết giải quyết như thế nào. Nhiều bạn vì lo sợ hoặc thiếu kiến thức nên dễ giải quyết sai. Theo em, ban lãnh đạo nên đầu tư nhiều hơn cho công tác tư vấn tâm lý ở trường.
Cùng chung ý kiến này, em Võ Ngọc Phương Thảo (lớp 11A2 Trường THPT Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức) đề xuất mạng xã hội đang rất phổ biến. Theo em, Sở nên thành lập trang web trực tuyến hoặc trang tư vấn tâm lý trên mạng xã hội để các bạn có nơi giải tỏa tâm tư, chia sẻ tình cảm của mình hoặc nhờ các chuyên gia tư vấn các vấn đề khó nói.
Nhiều HS cũng phản ảnh nội dung của nhiều môn học còn nặng nề, gây áp lực cho HS. Các em cũng vì thế nên tiếp thu kiến thức thụ động, không được rèn luyện các kỹ năng xã hội từ các hoạt động thực tế.
HS phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: P.ANH
Lo lắng thất nghiệp
Em Ngô Văn Trọng, HS tại một trường THPT ở quận Thủ Đức tỏ ra lo lắng trước tình trạng thất nghiệp của các anh, chị đi trước. Trong khi đó, hằng năm các trường ĐH lại tuyển rất nhiều thí sinh, HS vì thế phải cố gắng học để thi nhưng lại không biết chọn ngành nghề nào cho phù hợp và tránh thất nghiệp.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Lê Hồng Sơn cho rằng các em nên chọn nghề theo khả năng của bản thân, đừng nghe những đồn thổi về việc chạy tiền để xin việc từ bên ngoài. Việc tuyển dụng giáo viên được Sở thực hiện công khai, minh bạch theo nhu cầu thực tế và từng bộ môn.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh (Trường Trung cấp Nam Sài Gòn), em học ngành mầm non, trong quá trình học cũng đi thực tập thực tế đến các trường mầm non rất nhiều. Thế nhưng khi ra trường vẫn khó xin việc làm vì đòi hỏi kinh nghiệm. Sở nên có giải pháp để làm sao trong quá trình học ở trường, các em được rèn luyện kỹ năng nghề, được thực tập và phải xem những trải nghiệm đó như những kinh nghiệm cho các em khi đi làm.
Các ý kiến của HS rất cụ thể và thiết thực, sẽ hỗ trợ cho phòng GD cũng như Sở hiểu và định hướng công việc tốt hơn. Sở sẽ yêu cầu tất cả 24 quận, huyện và các trường phải tổ chức buổi đối thoại với HS hằng năm để nắm được tâm tư các em. Sở cũng đã triển khai nhiều phong trào thể dục thể thao, dạy kỹ năng sống, hướng nghiệp, ngoại khóa để HS trải nghiệm. Sở cũng sẽ tiếp tục liên kết đào tạo để nhân rộng mô hình hướng nghiệp, giúp các em định hướng nghề tốt hơn. Ông LÊ HỒNG SƠN, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Sở ghi nhận các ý kiến từ các em HS. Sở sẽ cho kiểm tra lại các thông tin của HS về việc bạo lực học đường, học trước chương trình, ghi chép bài quá nhiều… để có hướng điều chỉnh. Những vấn đề nào thuộc phạm vi quận, huyện thì nhà trường và phòng GD&ĐT phải tìm hiểu để thay đổi cho phù hợp. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP |