Ông Goldstein cho biết, Trung Quốc đã đầu tư một lượng lớn nguồn lực vào phát triển tên lửa hành trình chống hạm trong vòng 30 năm qua, để chuẩn bị cho những cuộc xung đột có thể xảy ra ở duyên hải của nước này.
Với việc trang bị được trang bị các hệ thống radar phức tạp và hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, hạm đội máy bay của quân đội Trung Quốc có thể đe doạ đến an ninh khu vực, ông Goldstein nhận định và nói thêm rằng Hải quân Trung Quốc cũng có khả năng không chiến trên biển với nhiều vũ khí hiện đại. Việc được Nga bàn giao 24 máy bay chiến đấu SU-30MK2 đã cho phép Bắc Kinh thực hiện được một chiến lược không chiến trên biển tuyệt vời.
Với tầm hoạt động 1.300 km, Su-30MK2 có thể bay vượt xa chuỗi đảo thứ nhất, kéo dài từ Alaska đến Philipines. Máy ném bom chiến lược H-6 và máy bay ném bom chiến thuật JH-7 sẽ hình thành nền tảng chiến thuật tấn công vào các mục tiêu trên biển. Tuy nhiên, vũ khí nguy hiểm nhất của Không quân Trung Quốc là tên lửa chống hạm YJ-83.
Theo ông Goldstein, tên lửa YJ-83 tốt hơn hẳn tên lửa siêu âm nhập khẩu KH-31 của Nga về hiệu quả chiến đấu mặc dù nó chỉ có tốc độ cận âm. Với tầm bắn khoảng 150 km, phiên bản xuất khẩu của YJ-83 đã từng gây sự chú ý, khi quân đội Lebanon sử dụng nó để tiêu diệt một tàu hộ tống của Israel vào năm 2006.
Tuy nhiên, ông Goldstein cũng cho rằng thế hệ tên lửa chống hạm đầu tiên của Trung Quốc chưa thể đủ sức đánh bại lực lượng Hải quân Nhật Bản và Mỹ trong thực chiến. Hiện tại, Trung Quốc đang phát triển thế hệ 2 của tên lửa YJ-83 với 2 phiên bản bao gồm YJ-12 có thể bay ở tốc độ siêu âm Mach 3 và YJ-100 bay ở tốc độ cận âm, nhưng có tầm bắn lên tới 800 km.
Theo Đặng Vũ (ANTĐ / Wantchinatimes)