Bất cập về giá trị 'giấy thông hành' âm tính với COVID-19

Những ngày qua, khi các tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… cùng nhiều nhà máy, cơ quan, xí nghiệp yêu cầu phải có kết quả test nhanh COVID-19 âm tính thì mới được lưu thông, vào cơ sở làm việc, lượng người đến bệnh viện (BV) xét nghiệm tăng đột biến.

Lượng người xét nghiệm tăng đột biến

Tại TP.HCM, ngày 6-7, hàng ngàn người dân xếp hàng dọc theo đường Nguyễn Thái Sơn (phường 3, quận Gò Vấp) để vào BV Quân y 175 xét nghiệm COVID-19.

Ghi nhận vào chiều cùng ngày, lượng người đến xét nghiệm vẫn khá đông. Vì thế, lực lượng y, bác sĩ của BV được huy động tổng lực hướng dẫn, yêu cầu người dân không vi phạm các quy tắc phòng dịch.

Theo BS Trần Thị Hải Yến, Chủ nhiệm Khoa phòng khám bệnh kiêm Chủ nhiệm Phòng khám tiền phương BV Quân y 175, khi các nơi chưa có quy định về việc đến địa bàn tỉnh phải có kết quả test nhanh hoặc PCR âm tính thì mỗi ngày, BV Quân y 175 chỉ test khoảng 1.300-1.600 người. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tuần thì số lượng lên 2.500-3.000 người. Như sáng qua đã tiếp nhận 2.000 người đến test nhanh hoặc PCR.

Trước tình hình lượng người đến xét nghiệm tăng đột biến, BV Quân y 175 đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo phòng chống dịch, như việc triển khai phòng khám tiền phương.

“Sau khi triển khai phòng khám tiền phương mà thấy lượng người đến xét nghiệm đông quá, chúng tôi đã triển khai thêm một bộ phận dã chiến để không quá nhiều người tập trung một nơi, đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch” - BS Yến thông tin.

Tại Bình Dương, số lượng người dân, công nhân, người lao động đến các cơ sở y tế test nhanh COVID-19 để có “giấy thông hành” cũng tăng cao.

Theo ghi nhận, tại BV đa khoa Hoàn Hảo (phường An Bình, TP Dĩ An) có hàng trăm người đến test nhanh COVID-19 để đi làm ở các công ty và đi sang các địa bàn tỉnh khác làm việc.

Đến chiều 6-7 vẫn có rất đông người dân đang đợi lấy mẫu, vì quá đông nên người dân phải xếp hàng dài, tràn cả ra đường.

Còn tại BV Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một), số lượng người dân đến lấy mẫu test nhanh COVID-19 cũng tăng.

Để đảm bảo quy định phòng chống dịch, phía BV đã bố trí ba khu vực test nhanh. Các cán bộ y tế hướng dẫn người dân đứng xếp hàng giãn cách theo đúng quy định.

Hằng ngày, các cán bộ y tế tại đây đều làm việc hết công suất vì số lượng người dân đến lấy mẫu liên tục.

Tại Trung tâm Y tế TP Vũng Tàu, sáng cùng ngày, số lượng người dân, tài xế, công nhân viên, thuyền viên… đến đăng ký lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tăng đột biến so với ngày trước đó.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều người tập trung ở đây, điều này khó đảm bảo việc giãn cách an toàn theo quy định ở các khu chờ đóng tiền, khu nộp giấy chờ và khu đợi được gọi vào lấy xét nghiệm.

Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, còn nhiều giấy chờ lấy mẫu để ở vị trí xếp giấy nhưng nhân viên lấy mẫu phải thông tin và hẹn đầu giờ chiều quay lại làm.

Người dân xếp hàng dài phía ngoài BV Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM) chờ làm xét nghiệm COVID-19 để có đủ điều kiện lưu thông qua các tỉnh. 
Ảnh: HOÀNG GIANG - NGUYỆT NHI

Doanh nghiệp đang bị nhiều áp lực

Ghi nhận tại chốt kiểm soát ở Trạm thu phí cầu Đồng Nai (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) lúc 11 giờ trưa 6-7, có khá nhiều người dân di chuyển theo hướng TP.HCM về Đồng Nai.

Tại đây, các phương tiện xe gắn máy di chuyển từ hướng TP.HCM về được ra hiệu dừng xe, cung cấp thông tin lộ trình điểm đi tại TP.HCM và điểm đến tại Đồng Nai. Người dân được yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 và khai báo y tế trước khi tiếp tục di chuyển.

Đối với những người không có giấy xét nghiệm âm tính, lực lượng tại chốt yêu cầu người dân viết cam kết đã xét nghiệm âm tính hoặc cam kết đồng ý xét nghiệm và được chuyển đi xét nghiệm tại một điểm lấy mẫu gần đó.

Một cán bộ tại chốt kiểm soát cho biết do lượng người di chuyển qua chốt khá lớn, trong khi cần phải đảm bảo số lượng người tập trung tại chốt nên không thể yêu cầu dừng xe với tất cả phương tiện.

“Việc này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của từng người dân, chủ động vào khai báo, hỗ trợ phối hợp với ngành chức năng chứ không thể mời toàn bộ người dân vào cùng lúc” - cán bộ này nói.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số doanh nghiệp ở Bình Dương cho hay từ lúc áp dụng quy định người lao động phải có kết quả test COVID-19 âm tính mới được phép vào địa phương, điều này đã gây khó khăn không ít đối với hoạt động của đơn vị. Nhất là quy định giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3-5 ngày (sau 3-5 ngày lại phải xoay tua đi xét nghiệm) khiến các công ty rất áp lực, giảm năng suất lao động.

Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, chuyên sản xuất các thiết bị về điện nằm trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (thị xã Bến Cát), cho biết công ty chỉ có hơn 100 nhân viên. Thế nhưng vì tính chất công việc nên có khoảng 30 nhân viên thường xuyên phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác để làm việc.

Việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 có hiệu lực 3-5 ngày để làm “giấy thông hành” từ tỉnh này sang tỉnh khác mất rất nhiều thời gian và chi phí cho công ty.

Đơn cử, như hôm qua, nhân viên của công ty đi lấy mẫu xét nghiệm nhưng chưa thể có kết quả ngay trong ngày nên hôm nay, một số nhân viên không thể đi sang các tỉnh khác để giao hàng và bảo trì máy móc. Mấy ngày sau lại phải đi xét nghiệm lại để lấy giấy.

Các chuyên gia nói gì?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19 chỉ có giá trị vào thời điểm trước đó cho đến khi xét nghiệm. Điều này không đồng nghĩa là người có trong tay phiếu này sẽ không có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Bởi nếu sau đó có tiếp xúc ca bệnh COVID-19 thì mầm bệnh vẫn ủ trong người và có nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Do vậy, không nên dựa vào phiếu kết quả xét nghiệm để đi lại thoải mái.

Theo BS Khanh, giá trị giấy xét nghiệm trong thời gian ngắn sẽ gây nhiều tốn kém cho người dân, còn giá trị có thời hạn càng dài thì rủi ro càng lớn. “Do đó, các địa phương cần thống nhất về số ngày trong việc quy định thời hạn giá trị của giấy xét nghiệm COVID-19. Điều này cần Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia can thiệp và thống nhất giữa các tỉnh. Và trên hết, phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19 không thể thay thế 5K trong thời điểm ca bệnh gia tăng như hiện nay” - BS Khanh nêu quan điểm.

PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho rằng cần phải tính toán lại việc xem phiếu kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 như “giấy thông hành” để đi lại và làm việc vì điều này tạo áp lực về mặt chi phí và nguồn lực, trong khi hiệu quả không cao.

Theo bà Thư, mẫu xét nghiệm nào cũng chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu. “Có nghĩa xét nghiệm âm tính hôm nay chưa chắc ngày mai thử lại vẫn âm tính. Do đó, nộp phiếu xét nghiệm cách đó 3-7 ngày cũng không loại trừ khả năng có thể bị dương tính” - PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư nói.

Bà Thư cho rằng việc tuân thủ 5K là cần thiết hơn. Thay vì yêu cầu phiếu kết quả xét nghiệm nhanh, các công ty nên xem lại cách phân luồng làm việc và sắp xếp nhân sự sao cho ít tiếp xúc nhất để lỡ có ca dương tính thì số người bị ảnh hưởng thấp nhất.

“Tôi muốn nhấn mạnh trong thông điệp 5K của Bộ Y tế có 2K rất quan trọng là khoảng cách và không tụ tập. Các đợt dịch trước, thông điệp như “ai ở đâu ở yên đấy”, “hãy ở nhà” đã được áp dụng khá thành công và đã dập dịch rất nhanh chóng” - PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư cho hay.

Một chuyên gia xét nghiệm, dịch tễ khác đặt vấn đề: “Test COVID-19 có giá trị trong thời gian bao lâu? Ngay cả test PCR thử nghiệm bằng phương pháp sinh học phân tử, trả lời chính xác nhất về tình trạng nhiễm COVID-19 cũng chỉ trả lời người bệnh là ngay thời điểm xét nghiệm có mang mầm bệnh hay không, còn rời chỗ xét nghiệm đi ra ngoài, người đó có nhiễm hay không cũng không thể trả lời được”.

Theo vị chuyên gia này, việc một số tỉnh đặt ra thời hạn ba ngày, bốn ngày, thậm chí bảy ngày cho phiếu kết quả xét nghiệm này hoàn toàn không có căn cứ nào. “Nguyên tắc người ta sẽ bị nhiễm từ lúc nào, chứ làm sao đảm bảo 3-4 ngày sau người đó an toàn được. Vì vậy, việc đặt ra giá trị thời hạn là hết sức vô lý!” - vị chuyên gia này nói.

Mục tiêu là hạn chế di chuyển, truy ra nhiều F0

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết thực chất để hiểu sâu hơn về quy định này là để hạn chế di chuyển của người dân trong thời gian này để có thể chống dịch.

Nếu người dân ở nơi khác đến Bình Dương làm việc hằng ngày thì tốt nhất nên ở lại tỉnh Bình Dương. Khuyến cáo các doanh nghiệp bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động ở lại.

Ông Chương cũng bày tỏ lo lắng vì hiện nhân lực y tế đang căng mình chống dịch, những điểm có đủ tiêu chuẩn làm xét nghiệm khó có thể xét nghiệm cho nhiều người, dẫn đến quá tải.

BS Trần Thị Hải Yến, Chủ nhiệm Khoa phòng khám bệnh kiêm Chủ nhiệm Phòng khám tiền phương BV Quân y 175, cho hay: “Tính riêng hai ngày gần nhất thì chúng tôi sàng lọc ra gần 40 trường hợp cho kết quả kiểm tra dương tính và chuyển cho đơn vị chức năng tổ chức truy vết”.

Khi phát hiện ca dương tính, BV cũng tiến hành xử lý tình huống theo đúng quy trình, đảm bảo và an toàn cho những người khám bệnh và đội ngũ y tế.

“Đây cũng là biện pháp để BV cùng sàng lọc F0 trong cộng đồng để truy vết cho nhanh. Vì thực tế, F0 mà không có triệu chứng ra cộng đồng rất nguy hiểm” - BS Yến nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm