Ông lớn bất động sản lấn sân kinh doanh F&B

Không ít doanh nghiệp bất động sản (BĐS) sớm hướng tới việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh để củng cố nguồn lực và thương hiệu. Tùy vào năng lực và sở trường, không ít người đã gặt hái thành công nhất định trên các sân chơi mới.

Mới đây, Tập đoàn Novaland công bố thương hiệu chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực, Tập đoàn Sơn Kim cũng lên kế hoạch kinh doanh với lĩnh vực F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ nhà hàng và quầy uống)… Ngày càng nhiều tập đoàn tìm thêm hướng đi mới trong việc kinh doanh của mình.

Ông lớn BĐS đầu tư F&B như thế nào?

Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Novaland đã giới thiệu Nova F&B - thương hiệu chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực, dịch vụ quản lý và vận hành các thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực F&B tại các dự án do Novaland phát triển.

Danh mục các thương hiệu do Nova F&B quản lý gồm mảng nhà hàng và chuỗi cà phê. Mảng nhà hàng gồm các thương hiệu như Jumbo Seafood, The Dome Dining &Drinks, Dynasty House Hongkong Dimsum & Hotpot, Au Lac Do Brazil, Embassy Lounge... Mảng chuỗi cà phê có Saigon Casa cafe, Gloria Jean’s Coffees; Mojo Coffee, cà phê Cô Ba…

Hầu hết thương hiệu nhà hàng - cà phê kể trên đều thuộc phân khúc cao cấp nằm ở trung tâm, địa điểm vàng của quận 1, 3 và 7. Phong cách quán hết sức đa dạng, từ châu Âu, châu Á đến thuần Việt. Ngoài ra, Nova F&B còn đang trong tiến trình làm việc để hợp tác với Magal BBQ, Lotteria, Pizza Maru (Korea), Mango Tree (Thailand), Yakiniku BBQ (Japan)… nhằm tiếp tục mở rộng lĩnh vực này trong tương lai.

“Nova F&B sẽ từng bước phát triển và nhượng quyền, hợp tác với nhiều thương hiệu khác để trở thành điểm đến vui chơi, giải trí và ẩm thực hàng đầu Việt Nam và khu vực” - Novaland tuyên bố về mục tiêu của mình khi tham gia mảng F&B.

Bên cạnh Novaland, một đại gia khác trong lĩnh vực BĐS là Tập đoàn Sơn Kim cũng có Công ty Sơn Kim Retail phụ trách mảng bán lẻ và F&B. Vừa qua, Sơn Kim vừa khai trương nhà hàng Watami Japanese Dining ở khu Thảo Điền, quận 2.

Theo kế hoạch, năm 2020, Sơn Kim sẽ mở tiếp các nhà hàng Watami Japanese Dining và Kyo Watami Grill & Sushi. Trước thương hiệu Watami, Sơn Kim đã có hai nhà hàng cao cấp chuyên về ẩm thực châu Âu là Mama Sens và Jardin Des Sens.

Một trong những chuỗi quán cà phê có ông chủ là tập đoàn bất động sản. Ảnh: HUYỀN PHẠM

Lợi thế trên sân chơi mới

“Các chủ đầu tư BĐS có thể sẽ thành công nhờ lợi thế về quỹ mặt bằng. Đó chính là các shophouse còn trống tại những tòa nhà, khu căn hộ, khu villa của họ. Nếu biết khai thác, họ có thể tạo ra những mô hình kinh doanh sinh lợi rất tốt vì không có áp lực về tiền thuê như các đơn vị khác” - ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP), một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, nhận định.

Theo ông Việt, gần đây một số chủ đầu tư bắt đầu triển khai mô hình F&B. Đây cũng là một lựa chọn tốt, thành công hay không còn cần thời gian kiểm chứng. Hiện nay, ngành F&B cũng đã có những thương hiệu lớn, lâu đời và được người tiêu dùng yêu thích. Để cạnh tranh, các chủ đầu tư cần tìm ý tưởng mới lạ về sản phẩm, mô hình kinh doanh, thiết kế nội ngoại thất... Tất nhiên, giá cả là yếu tố khách hàng sẽ cân nhắc trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.

Với riêng ngành F&B, khi có các doanh nghiệp BĐS tham gia, việc gia tăng số lượng đối thủ cạnh tranh là điều đáng quan tâm. Để giữ được vị thế của mình, chủ các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như luôn sáng tạo các ý tưởng mới trong ưu đãi, quà tặng. Điều này là yếu tố có lợi cho khách hàng.

Đại diện Novaland cho biết mục tiêu của doanh nghiệp là hướng đến phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm với hệ thống hàng trăm chuỗi nhà hàng, cà phê, bar, club… Đây cũng là một hoạt động nằm trong chiến lược mang đến những trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật đẳng cấp, gia tăng giá trị kết nối cho du khách trong và ngoài nước.

Chưa thể nói rằng các chủ đầu tư BĐS sẽ thành công ngay khi vừa lấn sân sang lĩnh vực mới. Tuy nhiên, đây là một động thái đáng hoan nghênh, một cách đi sáng tạo, tận dụng triệt để lợi thế sẵn có để gia tăng nguồn lực của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong khi dịch COVID-19 vẫn còn gây ảnh hưởng, giao dịch BĐS tạm thời suy giảm, các chủ đầu tư BĐS phải tự mình xoay xở để vượt qua khó khăn trước mắt. Điều này sẽ tác động tích cực đến uy tín và nội lực của doanh nghiệp. Từ đó gián tiếp tạo cơ hội ổn định cho thị trường BĐS.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp BĐS này cũng sẽ góp phần tạo ra nhiều việc làm hơn cho xã hội, không chỉ để dòng tiền xoay quanh những tài sản “bất động”” - ông Việt phân tích.

Doanh nghiệp bất động sản cũng hứng thú với nông nghiệp

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện có 1% doanh nghiệp nông nghiệp nhưng có tới 8% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác, trong đó có BĐS, đầu tư vào nông nghiệp khá nhiều. Những năm gầy đây, các doanh nghiệp BĐS có lợi thế sẵn đã tích tụ ruộng đất quy mô lớn để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup với thương hiệu VinEco; FLC cũng cho biết sẽ triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam với quỹ đất dự kiến đến 4.000 ha... Nhiều chủ đầu tư còn có khuynh hướng tập trung phát triển và chuyển nhượng trang trại nông nghiệp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm