Không biến đất công thành đất tư trong chuyển nhượng vườn chè ở Lâm Đồng

(PLO)- Doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hóa giá vườn cây, vườn chè của tỉnh Lâm Đồng để thu lợi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã mời các sở, ban ngành, lãnh đạo UBND các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc cùng Công ty cổ phần chè Lâm Đồng; Công ty cổ phần chè Ngọc Bảo; Công ty cổ phần chè Minh Rồng; Công ty cổ phần chè - cà phê Di Linh họp.

Nội dung nhằm xử lý những nội dung liên quan đến kiến nghị của người dân về việc chuyển nhượng giá trị vườn chè và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho người nhận khoán.

Phát sinh khiếu kiện trong quá trình thu hồi đất

Ngày 21-3, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo về việc chuyển vườn chè cho người dân nhận khoán ở các công ty chè.

chuyển nhượng vườn chè
Nhiều công ty chè ở Lâm Đồng chuyển nhượng vườn chè cho người dân nhận khoán. Ảnh: VT

Cơ quan này nhận định trong quá trình cổ phần hóa, các công ty chè không lập phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa nên toàn bộ diện tích đất các công ty quản lý đã được UBND tỉnh cấp GCN và cho thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Điều này khiến việc hóa giá vườn chè cho các hộ nhận khoán sau này gặp nhiều vướng mắc.

Đơn cử năm 2012, Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng (Công ty Chè Lâm Đồng) quản lý gần 300 ha bao gồm 285,5ha chè và 6,5ha cà phê. Do nhu cầu tăng vốn đầu tư, công ty đã đề nghị tỉnh cho phép chuyển nhượng giá trị hơn 50 ha vườn chè ở những khu vực xa xôi, hiệu quả thấp.

IMG_3953.jpeg
UBND tỉnh Lâm Đồng từng chấp nhận chủ trương cho các công ty chè để người dân nhận khoán. Ảnh: VT

Đề nghị này được Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh. Đến ngày 8-5-2012, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất về nguyên tắc và phương thức chuyển nhượng cho người nhận khoán. Tỉnh giao Công ty Chè Lâm Đồng chịu trách nhiệm về sự thỏa thuận giá trị chuyển nhượng và tuyệt đối không được chuyển nhượng vườn chè cho các đối tượng khác.

Sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển nhượng giá trị vườn chè, doanh nghiệp phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, lập hồ sơ trình UBND tỉnh thu hồi đất để giao cho UBND các huyện Bảo Lâm, Di Linh quản lý và cấp GCN cho người dân.

Từ năm 2014 đến năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành bốn quyết định thu hồi hơn 50 ha vườn chè giao các huyện để cấp GCN cho các hộ nhận khoán. Cùng với đó, Công ty chè Lâm Đồng thực hiện chuyển nhượng giá trị hơn 46ha vườn chè cho 94 hộ, còn lại khoảng 4 ha.

Trong quá trình chuyển nhượng, ở khu vực này phát sinh 28 hộ dân đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương cho Công ty Chè Lâm Đồng thực hiện chuyển nhượng 13,28 ha vườn chè. Tuy nhiên, tỉnh cho rằng diện tích này không nằm trong diện tích đã duyệt chủ trương nên không xem xét giải quyết.

Tương tự, từ năm 2008 đến 2012, Công ty Chè Ngọc Bảo cũng được UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng giá trị 147 ha vườn chè. Đồng thời ban hành các quyết định thu hồi đất, giao UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm quản lý, lập thủ tục cấp GCN cho các hộ dân.

Cùng thời gian này, Công ty Chè Ngọc Bảo thực hiện chuyển nhượng 33,37ha giá trị vườn chè cho các hộ. Tuy nhiên, một số diện tích không nằm trong phần diện tích vườn chè UBND tỉnh duyệt thu hồi đất.

Từ đó dẫn đến việc từ tháng 11-2023 đến nay, 10 hộ dân đã nhận khoán đất của Công ty Chè Ngọc Bảo liên tục có đơn đề nghị tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương chuyển nhượng và yêu cầu được cấp GCN.

Dừng chuyển nhượng giá trị vườn cây và cấp sổ

Như vậy từ năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho phép ba công ty chuyển nhượng gần 489 ha/1.318 ha giá trị vườn chè.

Đồng thời, ban hành quyết định thu hồi hơn 398 ha để giao về cho các địa phương quản lý và cấp GCN cho các hộ nhận khoán theo quy định; còn lại gần 91 ha, tỉnh chưa có quyết định thu hồi đất.

Quá trình chuyển nhượng vườn chè của các công ty sau khi tỉnh có chủ trương thực tế tùy thuộc vào từng vị trí đất, giá trị có thể từ 100-150 triệu đồng/1.000m².

IMG_3952.jpeg
Một công ty chè ở huyện Bảo Lâm. Ảnh: VT

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn năm 2006-2019 là thời điểm các công ty hết thời hạn được miễn giảm tiền thuê đất với Nhà nước. Khi đó, các công ty lại xin chủ trương chuyển nhượng giá trị vườn cây với diện tích lớn, trả lại đất để Nhà nước cấp GCN cho các hộ nhận khoán. Lúc này, các công ty không còn phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước mà còn được hưởng lợi lớn khi thực hiện chuyển nhượng vườn cây cho hộ dân nhận khoán.

Chưa kể, nhiều trường hợp được chuyển nhượng giá trị vườn cây và cấp GCN nhưng lại không phải là người trực tiếp nhận khoán theo danh sách được phê duyệt.

Quá trình quản lý đất đai tại địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương cho người nhận khoán được chuyển nhượng giá trị vườn cây. Khi đó, các công ty sẽ trả lại đất cho tỉnh. UBND tỉnh sẽ thu hồi đất, giao về địa phương làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp GCN cho các hộ nhận khoán.

Tuy nhiên, trường hợp các công ty đã cổ phần hóa và yêu cầu lập lại phương án sử dụng đất cho công ty cổ phần để triển khai việc chuyển nhượng trên lại chưa được pháp luật quy định.

Theo thanh tra tỉnh Lâm Đồng, quá trình chuyển nhượng có thể dẫn đến sai sót về pháp lý, vi phạm pháp luật, biến đất công thành đất tư, các doanh nghiệp cho chuyển nhượng giá trị vườn cây vừa không phải trả tiền thuê đất vừa được hưởng lợi một số tiền lớn. Một số trường hợp đã lợi dụng chính sách giao khoán của Nhà nước để thu gom đất công, phá vỡ hợp đồng nhận khoán, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Thanh tra tỉnh đề xuất UBND tỉnh chưa xem xét chấp thuận chủ trương chuyển nhượng giá trị vườn cây của các công ty nói trên. Đồng thời tạm dừng cấp GCN đối với những diện tích các công ty đã thực hiện chuyển nhượng trên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Nội Chính Tỉnh ủy Lâm Đồng cùng vào cuộc

Liên quan việc chuyển nhượng giá trị vườn trà của Công ty cổ phần Chè Cà phê Di Linh (đơn vị thành viên của Công ty Chè Lâm Đồng), ngày 26-10-2012, Tổng cục Quản lý đất đai qua thanh tra đã ban hành kết luận. Theo đó yêu cầu Công ty Chè, Cà phê Di Linh xây dựng lại phương án sản xuất, kinh doanh, chi tiết nhu cầu sử dụng đất phục vụ sản xuất, kinh doanh trình UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định.

Phần diện tích còn nhu cầu sử dụng thì thuê theo đúng quy định tại Nghị định 17/2004 và Nghị định 135/2005 của Chính phủ. Phần diện tích không còn nhu cầu sử dụng thì đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi, giao cho huyện Di Linh giao cho các hộ dân đang trực tiếp nhận khoán theo quy định. Đồng thời, kiểm tra, rà soát để ký kết lại hợp đồng giao khoán vườn chè, cà phê khi phương án sản xuất, kinh doanh mới được phê duyệt.

Ngày 17-5-2022, Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã có báo cáo liên quan đến việc thanh lý hóa giá vườn cây và cấp GCN đất cho người nhận khoán của Công ty Chè, Cà phê Di Linh. Trong đó nhấn mạnh chủ trương hóa giá vườn cây, giao đất cho người nhận khoán là phù hợp với tình hình thực tế địa phương và pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện của các ngành và UBND cấp huyện có những sai phạm cần xử lý để tránh lợi dụng chính sách, thu lợi bất chính của các đối tượng tại địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm