Người này đã bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay trong ngày 5-4 vì phạt một em học sinh trong lớp nói chuyện riêng, đã bắt em ấy phải uống nước giặt giẻ lau bảng.
Trong hàng ngàn ý kiến bình luận của bạn đọc gửi về PLO cũng như trên các diễn đàn mạng xã hội, gần như không có một ý kiến nào bênh vực cho hành vi phản nhân văn, phản giáo dục của người từng được gọi là cô giáo ấy. “Không thể tưởng tượng được”, “không thể chấp nhận”, “quá khủng khiếp”, “tàn ác”, “phản giáo dục”, “không đủ tư cách trồng người”, “loại khỏi ngành giáo dục”, “đề nghị khởi tố tội hành hạ, ngược đãi trẻ em”…, những ý kiến tới tấp gửi về, thể hiện sự căm phẫn tột cùng trước hành vi phản giáo dục của Nguyễn Thị Minh Hương.
Dù Nguyễn Thị Minh Hương đã viết bản kiểm điểm, đến nhà học sinh xin tha thứ và đã phải trả giá cho hành vi sai trái của mình bằng chuyện ngay lập tức bị mất việc… nhưng nỗi đau mà hành vi quái gở của người này gây ra cho xã hội vẫn chưa thể nguôi ngoai. Môi trường giáo dục đã bị hành vi này làm vấy bẩn nghiêm trọng. Những người trong ngành đau xót, xấu hổ. Những bậc phụ huynh phẫn nộ. Những em học sinh ngơ ngác...
“Sao cô lại làm thế? Cô không nên làm nghề này nữa đâu, tự xin thôi việc đi. Sau bao nhiêu phẫn nộ khi phụ huynh bắt cô giáo quỳ thì hôm nay cô lại làm trái tim chúng tôi đau quá” - tâm tư của một bạn đọc cũng là nỗi lòng của biết bao người.
Rồi câu hỏi đặt ra: Tại sao môi trường giáo dục bây giờ lại quá nhiều mảng đen, mảng xám như thế? Ngay sáng qua, các báo cũng đưa tin Trần Huy Khôi (giáo viên dạy văn, Trường THPT Hàn Thuyên, quận Phú Nhuận, TP.HCM) bị tước quyền đứng lớp vì thường dùng những lời nói tục tĩu, chửi bới học sinh trong giờ học, ví học sinh như “cá nóc phun chất độc” hay gọi học trò là “đôi cẩu nam nữ”... Và đến buổi chiều cùng ngày, chúng ta lại đau đớn trước sự việc xảy ra ở Quảng Bình: Tan trường, nam sinh chặn đường đâm thầy giáo gục tại chỗ!
Có mối liên hệ nào giữa những người mang danh thầy cô nhưng nhục mạ học sinh, đưa ra những hình phạt quái đản, vi phạm chuẩn mực đạo đức thông thường của con người chứ chưa nói đến là nhà giáo, với những vụ việc đau lòng như phụ huynh bắt cô giáo quỳ, học sinh hành hung thầy cô… hay không? Cần một cuộc đại phẫu ngành giáo dục để tìm ra câu trả lời. Bởi xét cho cùng, cả vị phụ huynh bắt cô giáo quỳ hay em học trò chặn đường hành hung thầy giáo thì cũng đã và đang là những sản phẩm bị lỗi của nền giáo dục.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Muốn giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp ngàn đời của dân tộc thì trước hết chính những người làm trong ngành giáo dục phải xứng đáng với chữ Thầy cao quý.
Và vì thế, càng không thể dung thứ cho những người mang sứ mệnh trồng người lại có hành vi phản giáo dục, phản văn hóa như bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng được!