Như đã đưa tin, chiều 3-4, sau khi biết chuyện cháu nội là PPA (chín tuổi, học lớp 3A5 Trường Tiểu học xã An Đồng) bị cô giáo bắt súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng, gia đình ông Phạm Khắc Thảo (trú xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) đã thông tin tới lãnh đạo trường.
Ngay trong tối, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (25 tuổi), chủ nhiệm lớp 3A5, tới nhà ông thừa nhận sự việc và xin lỗi.
Ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện An Dương, cho biết lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Trường Tiểu học An Đồng đình chỉ công tác, sa thải cô giáo nói trên.
Trong bản tường trình của mình, cô giáo Hương cho hay khi học sinh PPA nói chuyện trong lớp đã xử phạt bằng cách bắt em súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng.
Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng), nơi xảy ra vụ việc giáo viên phạt học sinh ngậm nước giẻ lau bảng.
Ngay sau khi thông tin về vụ việc được đăng tải, dư luận hết sức bất bình trước hành động của vị giáo viên tiểu học. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý nghiêm hành vi này.
Luật sư (LS) Bùi Đình Ứng, Đoàn LS TP Hà Nội, đồng tình với quan điểm trên. Ông Ứng cho rằng thời gian qua, hàng loạt vụ việc phụ huynh học sinh đánh, chửi, lăng mạ giáo viên đã bị dư luận lên án gay gắt, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để, thậm chí đã khởi tố vụ án. Do đó việc giáo viên có hành vi không đúng với học sinh cũng cần phải xử lý nghiêm khắc tương tự.
Theo vị LS này, hành vi bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương có dấu hiệu hành hạ người khác. Chưa nói về ảnh hưởng thể chất nhưng rõ ràng hành vi trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần của học sinh.
Ông Ứng bày tỏ sự bất bình và cho rằng nếu chỉ xử lý trong nội bộ nhà trường và theo quy định của ngành giáo dục đối với trường hợp trên là chưa đủ, cần phải nghiêm khắc hơn.
“Cho dù là bắt uống, súc miệng hoặc dùng giẻ lau bảng đánh vào mặt học sinh, việc này cũng đều phải xử lý. Nếu việc ép học sinh súc miệng bằng nước lau bảng diễn ra trong thời gian dài, nhiều lần hoặc với nhiều người thì hoàn toàn có thể truy cứu về tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS năm 2015. Còn nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể xử phạt hành chính về cùng hành vi” - LS Ứng phân tích.
Vị LS cũng nhận định hành vi của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nghề giáo viên. Dù với bất cứ lý do nào thiếu hiểu biết hay nóng nảy thì cũng không thể chấp nhận việc bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng.
“Cần phải công bằng, khi một số phụ huynh hành xử không đúng với giáo viên, cả xã hội lên án; ngược lại, trong vụ việc này, chúng ta cũng cần phải làm nghiêm tới cùng để làm gương cho các giáo viên khác” - LS ứng nói.