Sau những tranh cãi dữ dội, VPF và HA Gia Lai đã thống nhất nhà tài trợ của CLB không để chữ nước tăng lực bằng tiếng Anh và tiếng Việt lên trang phục thi đấu của đội bóng lẫn các bảng quảng cáo trên sân Pleiku trong ngày diễn ra trận đấu.
Bầu Đức: ‘VPF cấm nhà tài trợ, tôi bỏ bóng đá’
Tuy nhiên, “cuộc chiến” giữa hai bên vẫn chưa dừng lại khi bầu Đức tuyên bố làm cho “ra ngô ra khoai” việc chủ giải V-League giữ điều khoản tài trợ độc quyền ngành hàng. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đoàn Nguyên Đức về quyết định đưa VPF ra tòa án phân xử.
. Tại sao ông kiện VPF khi mọi việc đã dàn xếp và HA Gia Lai vẫn đồng ý tham dự mùa giải mới?
+ Bầu Đức: Tôi không hài lòng với cách ứng xử theo kiểu “bề trên” của VPF . Cần biết ngày 4-1-2023, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn ký quyết định ban hành Quy chế bóng đá chuyên nghiệp có điều khoản cho phép các CLB, đơn vị tổ chức giải được phép khai thác, được ký hợp đồng với bất kỳ đối tác nào mà không trái pháp luật (Khoản 1, Điều 66, Chương VI Quyền sở hữu giải thể thao chuyên nghiệp quy định). Quy chế không có một chữ nào cấm CLB khai thác tài trợ theo pháp luật hiện hành, do Quốc hội thông qua.
|
Bầu Đức sẽ kiện VPF ra tòa với mục đích xóa bỏ tài trợ độc quyền ở V-League. Ảnh: ANH PHƯƠNG. |
Ngày 5-12-2022, HA Gia Lai ký hợp đồng với Carabao và ngày 15-1-2023 mới chính thức công bố. Ngày 17-1-2023, VPF mới ban hành điều lệ giải.
Cũng cần đề cập thêm năm 2018, Quốc hội ban hành Luật cạnh tranh cấm độc quyền. HA Gia Lai cũng đã gắn bó liên tục với ngành hàng nước tăng lực từ năm 2021 đến nay, trước là Red Bull và bây giờ là Carabao. Dựa trên quy chế VFF và cả luật cạnh tranh cấm độc quyền của Quốc Hội thì việc VPF cấm HA Gia Lai là không hợp lý. Không thể chấp nhận điều lệ hay quy định nào của một công ty có quyền đứng trên luật pháp...
. Một câu hỏi có phần tế nhị, ông có thể không trả lời nếu cảm thấy lấn cấn. Đó là quy định mà VPF cấm HA Gia Lai ký hợp đồng với mặt hàng của nhà tài trợ chính cho giải V-League là quy định hiệu lực từ hồi bầu Thắng còn làm Chủ tịch VPF và ông làm Phó chủ tịch VPF, rồi sau này là Phó chủ tịch VFF? Ông nghĩ sao về điều này?
+ Tôi đồng ý trước đây, khi chúng tôi làm ở VPF và sau này có tham gia VFF, tập thể có nhất trí về việc độc quyền để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho nhà tài trợ giải. Hơn nữa đó là giai đoạn còn khó khăn chung của bóng đá Việt Nam. Nhưng từ năm 2018, khi Quốc hội có thông qua Luật cạnh tranh do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành, không cho phép độc quyền thì VFF đã cập nhật bằng quy chế ban hành năm 2023 nhưng VPF thì cứ giữ như cũ và như thế là tự cho phép mình đứng trên luật, trên cả VFF. Giả sử tôi còn làm ở VFF, VPF, nếu Quốc hội đã phê chuẩn Luật cạnh tranh thì bắt buộc chúng tôi phải điều chỉnh và sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
. Vậy mục đích cuối cùng của ông khi kiện VPF là đòi lại quyền lợi cho nhà tài trợ Carabao gắn với chữ “nước tăng lực” vừa bị VPF yêu cầu bỏ ra khỏi các bảng quảng cáo do “đụng hàng” với nhà tài trợ giải?
|
Sân bóng Pleiku chuẩn bị cho trận khai mạc V-League ngày 4-2... |
|
... và bầu Đức vẫn quyết làm rõ đúng sai với VPF ngay trong ngày bóng lăn. Ảnh: ANH PHƯƠNG. |
+ Tôi làm bóng đá hơn 20 năm qua, chưa bao giờ VPF hỗ trợ HA Gia Lai một cái gì có giá trị bằng 10 triệu đồng. Nỗ lực chơi bóng đá của chúng tôi nhằm cống hiến cho làng bóng Việt Nam ai cũng biết. Thế mà bây giờ người ta mang cái Điều lệ giải ra cấm HA Gia Lai ký hợp đồng với tài trợ. Thật ra, tôi kiện VPF ra tòa không chỉ vì quyền lợi của HA Gia Lai mà còn cho tất cả 14 đội bóng chuyên nghiệp tham dự V-League.
Điều tôi muốn làm là đòi lại sự công bằng và thay đổi những cái đã lạc hậu. Cái gì trái với luật thì buộc phải điều chỉnh, phải sửa đổi. Giả sử VPF ký hợp đồng tài trợ giải độc quyền với Eximbank chẳng nhẽ SHB (Đà Nẵng) phải nghỉ vì vi phạm Điều lệ giải hay sao? Tương tự, Mobifone tài trợ giải thì CLB Viettel không được phép chơi bóng đá, phải xóa tên à? Nhìn ra nước ngoài, gần nhất là Thái Lan không có chuyện tài trợ độc quyền, bóng đá châu Âu cũng thế, chỉ có mỗi làng bóng Việt Nam. Như vậy là VPF hoàn toàn sai.
. Ông đã từng đòi nghỉ bóng đá nếu VPF cấm HA Gia Lai quảng cáo cho nhà tài trợ nhưng giờ chót vẫn tiếp tục cuộc chơi?
+ Tôi không dọa bỏ bóng đá đâu, mà làm thật. Thực sự mọi thứ ở HA Gia Lai phụ thuộc vào nhà tài trợ. Nếu họ không đồng ý việc VPF cấm chúng tôi đặt logo trên áo, hình ảnh trên bảng quảng cáo và không tài trợ nữa, tiền đâu HA Gia Lai tham gia? Khi ấy, V-League chỉ còn có mấy ngày nữa vào cuộc, chúng tôi không thể tìm ra nhà tài trợ mới. Hiện tại, HA Gia Lai vẫn ra sân bình thường, đá trận khai mạc ngày 4-2 với đội khách Hà Tĩnh. Ngày 3-2, chúng tôi gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT và một ngày sau chính thức kiện VPF để tòa án phân xử ai đúng, ai sai. Tôi không cần thiết phải tranh cãi dài dòng với VPF.
|
HA Gia Lai sẽ đứng đơn kiện VPF và theo đuổi đến cùng để mang lại quyền lợi cho nhà tài trợ. Ảnh: ANH PHƯƠNG. |
. Ông có nghĩ mình sẽ thắng kiện VPF với những chứng lý mình nắm trong tay?
+ Không phải tôi tin tưởng HA Gia Lai sẽ làm nên chuyện mà chính nhà tài trợ Carabao cũng tin vào điều đó. Họ chỉ suy nghĩ rằng trên thế giới này không có chuyện tài trợ độc quyền vi phạm Luật cạnh tranh thì chắc chắn Việt Nam cũng thế thôi, không thể đứng ngoài thông lệ quốc tế được. Ra tòa chưa biết ai thắng ai thua, nhưng tòa thì phân xử theo luật, không phải theo Điều lệ giải, vì chẳng có tổ chức nào đứng trên luật cả.
Đối tác của chúng tôi tin tưởng đến mức độ chấp nhận không để chữ nước tăng lực cho đến khi quyền lợi chính đáng của mình được trả lại. Chúng tôi sẵn sàng đối đầu với VPF tại tòa án. Tôi kiện không chỉ vì HA Gia Lai mà còn có những CLB khác trong tương lai có thể gặp hoàn cảnh tréo ngoe tương tự.
. Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!