Hơn năm nay, người dân ở ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vẫn bàn tán râm ran về vụ tranh chấp giữa hai hộ trong ấp. Chỉ vì 150 con vịt đi lạc mà một người đã bị truy tố ra tòa về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Lùa vịt nhà, gom luôn vịt hàng xóm?
Cáo trạng của VKSND huyện ghi nhận: Gia đình ông Ch. và ông C. đều nuôi vịt đẻ siêu trứng. Hai trại vịt nằm cách nhau khoảng 400 m. Ngày 4-12-2007, ông Ch. lùa đàn vịt ra ăn ở ruộng gần nhà, có cử người trông coi. Sau đó, ông đi ăn đám giỗ. Cùng thời điểm, gia đình ông C. cũng thả đàn vịt ra thửa ruộng gần nơi đàn vịt ông Ch. đang ăn. Bấy giờ, ông C. đang đắp bờ ruộng ngay đó.
Khoảng 15 giờ cùng ngày, đàn vịt nhà ông C. bị chó đuổi chạy tán loạn. Ông C. cầm cuốc đứng chặn một đầu ruộng, phụ với người làm công gom đàn vịt lại. Khi đó, ông Ch. đi ăn giỗ về. Thấy người trông vịt của mình vào nhà uống nước, ông bèn đi ra ruộng kiểm tra. Thấy ông C. lùa vịt, ông Ch. hỏi thì ông C. trả lời “Tui chỉ lùa vịt nhà tui...”.
Tối đến, khi phát hiện đàn vịt của mình bị mất 150 con, ông Ch. đâm nghi ông C. đã gom nhầm. Sáng hôm sau, ông Ch. qua hỏi xin lại nhưng đã bị ông C. từ chối. Ông Ch. liền trình báo sự việc đến ấp. Quả quyết mình không gom nhầm, gia đình ông C. không đồng ý trả lại vịt. Vậy là hôm sau, ông Ch. đã nộp đơn thưa ông C. ra công an xã với lý do ông C. đã có hành vi chiếm giữ trái phép số vịt của ông.
Hồ sơ vụ việc được chuyển đến Công an huyện Trảng Bàng. Tháng 11-2008, căn cứ vào kết quả giám định giá trị 150 con vịt (là chín triệu đồng), công an huyện này đã ra quyết định khởi tố, tạm giam ông C. về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Cuối tháng 12-2008, VKSND huyện đã lập bản cáo trạng để truy tố ông C. ra tòa về tội danh trên. Sau đó, xét thấy không cần thiết tạm giam bị can, TAND huyện đã cho phép ông C. được tại ngoại.
Xác định số vịt bị mất, cách nào?
Theo ông C. thì vào năm 2006, tổng cộng đàn vịt của ông C. có khoảng 1.200 con (trong đó có một số con vịt do con gái ông gửi nuôi và gia đình mua thêm). Đến cuối năm 2007, đàn vịt nhà ông chỉ còn khoảng 900 con. Thế nhưng theo cáo trạng của VKSND huyện thì số vịt của ông C. vào thời điểm trên chỉ là 650 con. Con số này được rút ra từ xác nhận của ban thú y xã về số vịt của nhà ông C. được tiêm ngừa H5N1 vào tháng 4-2007.
Trên thực tế, đàn vịt của ông C. là 830 con. Tính ra, ông C. đã có dư 180 con. Nếu cho rằng trong 180 con vịt này có 150 con của ông Ch. thì 30 con vịt còn lại của ai? Cả bản kết luận điều tra lẫn cáo trạng đều không giải thích gì thêm về số dư này.
Cũng theo nhiều hộ chăn nuôi vịt tại ấp Lộc Thành, sẽ không chính xác nếu dựa vào giấy tiêm ngừa để xác định tổng số vịt trên thực tế. Bởi lẽ sau khi đăng ký số lượng vịt ban đầu, các hộ có thể mua bán thêm mà không khai báo hoặc trong quá trình chăn nuôi bị hao hụt. Có trường hợp khi đến đợt tiêm ngừa, chủ hộ chỉ đưa ra số lượng vịt nhất định, không phải toàn bộ đàn vì “loại vịt đẻ siêu trứng sẽ ngưng đẻ khi bị tiêm thuốc”.
Chưa kể, các bản báo cáo thống kê của ban thú y xã Lộc Hưng về số vịt của các hộ qua từng thời kỳ không sát thực tế. Theo giấy biên nhận mà ông C. còn lưu giữ thì vào tháng 5-2006, gia đình ông C. tiêm ngừa cho 650 con vịt. Con số này vẫn được giữ nguyên trong bảng thống kê của đợt tiêm ngừa vào năm sau. Nhiều người nuôi vịt đều khẳng định đó là con số “không tưởng” vì không ai có thể giữ đàn đúng số lượng như vậy. Ngoài ra, sau hai lần tiêm của năm 2007 thì số vịt của ông Ch. chỉ là 400 con chứ không phải 600 con như cáo trạng đã nêu.
Một cán bộ ngành nông nghiệp xã Lộc Hưng trao đổi: “Vì vài lý do, vẫn có trường hợp cán bộ thú y và người dân thỏa thuận khai khống số lượng vịt được tiêm. Chính vì thế, rất khó thống kê chính xác số vịt của các hộ chăn nuôi. Theo kinh nghiệm trước giờ, trong vòng vài ngày thì loại vịt đẻ trên vẫn có thể tự tìm về với đàn cũ. Nếu ngay từ đầu xảy ra sự việc mà số vịt nhà ông C. được thả ra, số vịt đi lạc của nhà ông Ch. (nếu có) sẽ tách đi riêng. Bấy giờ, việc phân xử đúng, sai giữa hai hộ vừa đơn giản, vừa rõ ràng, tránh được những nặng nề không đáng có.
Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc kết quả xét xử sơ thẩm sắp tới.
Hình phạt dành cho tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo Điều 141 Bộ luật Hình sự, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên... thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. |
KHÁNH LY